Thư viện

Sự phát triển cảm xúc

Trẻ em phát triển và thay đổi theo nhiều cách trong suốt những năm đầu đi học. Bên cạnh sự phát triển thể chất, trẻ cũng phát triển về các mặt xã hội, cảm xúc và nhận thức.

Vì sao cảm xúc quan trọng

Phản ứng của trẻ trước những cảm xúc khác nhau mà chúng trải nghiệm hàng ngày ảnh hưởng lớn đến những lựa chọn, hành vi của trẻ, khả năng trẻ thích ứng và tận hưởng cuộc sống.

Sự phát triển cảm xúc bao gồm việc học được cách cảm nhận và cảm xúc là gì, hiểu được lý do và cách thức chúng diễn ra, nhận thức được cảm xúc của bản thân và của người khác, đồng thời phát triển cách thức quản lý chúng hiệu quả. Khi trẻ lớn lên và tiếp xúc với các tình huống khác nhau, đời sống cảm xúc của trẻ cũng trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, việc phát triển các kỹ năng để quản lý một loạt những cảm xúc khác nhau là vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ tinh thần của trẻ. Cha mẹ và người chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển cảm xúc của trẻ. Họ làm điều này thông qua việc phản hồi lại cảm xúc của trẻ một cách hiệu quả, cung cấp những ví dụ về việc làm thế nào để kiểm soát cảm xúc, trò chuyện với trẻ về những cảm xúc và cách quản lý chúng. Thầy cô và các nhân viên trong trường cũng có thể cung cấp những hỗ trợ quan trọng cho việc phát triển cảm xúc của trẻ theo những cách tương tự.

Sự phát triển cảm xúc của trẻ em

Phát triển cảm xúc là một nhiệm vụ phức tạp bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh và tiếp nối đến khi trưởng thành. Những cảm xúc đầu tiên được nhận thấy ở trẻ gồm có vui thích, giận dữ, buồn phiền và sợ hãi. Dần dần, khi trẻ bắt đầu phát triển cảm nhận về bản ngã, những cảm xúc phức tạp hơn như nhút nhát, ngạc nhiên, phấn khích, ngượng ngùng, xấu hổ, tội lỗi, tự hào và thông cảm sẽ dần xuất hiện. Trẻ tiểu học vẫn đang trong giai đoạn học cách nhận dạng các cảm xúc, học cách hiểu vì sao chúng diễn ra và cách nào để quản lý chúng một cách phù hợp. Khi trẻ lớn lên, những yếu tố có thể kích thích các phản hồi về mặt cảm xúc sẽ thay đổi, do vậy những chiến lược mà trẻ dùng để quản lý cảm xúc cũng thay đổi theo.

Cảm xúc của trẻ nhỏ phần lớn bao gồm những phản ứng về thể chất (VD tim đập nhanh, bồn chồn) và hành vi. Khi lớn hơn, trẻ sẽ phát triển khả năng nhận biết cảm nhận của mình. Cảm xúc của trẻ cũng dần bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của chúng. Trẻ hiểu rõ hơn cảm nhận của bản thân, cũng như có thể nhận biết và hiểu được cảm xúc của người khác. Do đó, phản ứng cảm xúc của một trẻ 10 tuổi có thể sẽ phức tạp hơn nhiều so với trẻ 3 tuổi. Trải nghiệm cảm xúc bao gồm nhiều thành phần:

  • Phản ứng thể chất (VD: nhịp tim, nhịp thở, nồng độ hormone)
  • Những cảm xúc mà trẻ nhận biết và học cách gọi tên
  • Những suy nghĩ và đánh giá của trẻ gắn với cảm xúc
  • Những dấu hiệu hành động (VD: mong muốn tiếp cận, trốn chạy hay chống lại)

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách trẻ thể hiện cảm xúc, thông qua cả lời nói và hành động. Các yếu tố này bao gồm:

  • Giá trị và niềm tin về những cách phù hợp hay không phù hợp để thể hiện cảm xúc mà trẻ học được từ cha mẹ, người chăm sóc hay giáo viên
  • Mức độ hiệu quả mà những nhu cầu cảm xúc của trẻ thường được đáp ứng
  • Tính cách của trẻ
  • Các hành vi cảm xúc mà trẻ học được thông qua quan sát hay trải nghiệm
  • Mức độ của những kiểu căng thăng khác nhau mà gia đình và trẻ phải chịu

Phát triển các kỹ năng cảm xúc

Bảng bên dưới trình bày các lộ trình chính trong việc phát triển kỹ năng cảm xúc cho trẻ từ độ tuổi mầm non đến tiểu học. Cần lưu ý là tốc độ phát triển cảm xúc của trẻ khá đa dạng. Một số có năng lực phát triển cảm xúc ở mức độ cao ngay từ khi còn nhỏ, trong khi đó một số trẻ khác cần nhiều thời gian hơn để phát triển khả năng quản lý cảm xúc của mình.

Kỹ năng cần thiết Trẻ có kỹ năng cơ bản Trẻ có kỹ năng đang phát triển Trẻ có kỹ năng phát triển cao hơn
Nhận thức cảm xúc bản thân
  • Thường mỗi thời điểm chỉ có một cảm xúc
  • Thể hiện những gì trẻ cảm thấy qua hành động
  • Hay chuyển từ cảm xúc này sang cảm xúc khác một cách nhanh chóng
Bắt đầu hiểu mình có thể có nhiều hơn một cảm xúc khi phản ứng lại trước cùng một sự kiện, miễn là những cảm xúc này tương tự nhau (Ví dụ: vui vẻ và hào hứng) Hiểu được rằng trẻ có thể có những cảm xúc trái ngược trước cùng một tình huống (Ví dụ: cảm thấy vừa vui vừa buồn khi năm học kết thúc)
Nhận biết cảm xúc của người khác Phụ thuộc vào những dấu hiệu bên ngoài để nhận dạng cảm xúc (Ví dụ: nước mắt = buồn) Xem xét những dấu hiệu đến từ tình huống để giải thích cảm xúc (VD: hiểu rằng một đứa trẻ có thể buồn vì đồ chơi của trẻ bị hư.) Có thể hiểu một cách phức tạp hơn sự tương tác giữa cảm xúc, tình huống và con người (Ví dụ: trẻ buồn vì món đồ chơi bị hư là quà của người ông/bà yêu quý vừa mới mất)
Điều tiết cảm xúc - hay khả năng quản lý cảm xúc hiệu quả Có khả năng dùng những cách đơn giản để quản lý cảm xúc với sự hỗ trợ từ người lớn (Ví dụ: chọn hoạt động khác để đánh lạc hướng trẻ khỏi tình huống gây buồn phiền) Tăng khả năng chọn những phản hồi phù hợp về mặt hành vi (Ví dụ: yêu cầu và chờ đợi sự giúp đỡ trong những hoạt động khó) Tăng khả năng quản lý cảm xúc bằng cách suy nghĩ lại mục tiêu và động lực của bản thân (Ví dụ: quyết định là không có lý gì phải giận dữ về một chuyện mà trẻ không thể thay đổi)

Mỗi đứa trẻ đều khác biệt

Có nhiều lý do lý giải việc trẻ em có nhiều cách thể hiện và quản lý cảm xúc khác nhau. Sự đa dạng này có thể đến từ những sự kiện ảnh hưởng tới trẻ và gia đình ở một số thời điểm nhất định, ví dụ như mắc bệnh nặng hay bệnh mãn tính, sang chấn, hay gặp phải các hoàn cảnh xã hội khó khăn. Sự đa dạng trong cách trẻ thể hiện cảm xúc cũng có thể đến từ ảnh hưởng của các giá trị gia đình hay văn hoá đặc thù, cũng như sự khác biệt trong tính cách của trẻ.

Trẻ học hỏi các cách thể hiện cảm xúc khác nhau dựa trên những gì được xem là bình thường trong gia đình và văn hóa của trẻ. Một số gia đình và nền văn hóa khuyến khích trẻ bày tỏ nhiều loại cảm xúc trong khi một số gia đình khác lại khuyến khích trẻ không nên thể hiện một vài cảm xúc nhất định như giận dữ hay tự hào. Những khác biệt này cũng ảnh hưởng tới phương thế trẻ học cách điều tiết cảm xúc của mình.

Việc học cách điều tiết cảm xúc ở một số trẻ có thể khó khăn hơn đối với những trẻ khác. Lý do có thể đến từ đặc tính cảm xúc riêng biệt của từng trẻ. Một số trẻ cảm nhận cảm xúc một cách mãnh liệt và dễ dàng. Những trẻ này có xu hướng phản ứng mạnh về mặt cảm xúc và cảm thấy khó để bình tĩnh lại. Một vài trẻ thuộc dạng này sẽ phản ứng với sự thất vọng bằng cách trở nên giận dữ. Trẻ có thể hành động bốc đồng và cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc. Một số trẻ nhạy cảm về cảm xúc có thể sẽ lo âu nhanh và dễ dàng hơn so với những trẻ khác. Đối với trẻ có khí chất lo âu, việc phát triển chiến lược quản lý những nỗi sợ hãi sẽ trở nên khó khăn hơn. Trẻ sẽ thường cố gắng tránh những tình huống khiến trẻ lo âu.

Cảm nhận bản ngã của trẻ ảnh hưởng đến cảm xúc như thế nào

Trong những năm tiểu học, cảm giác bản ngã của trẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mức độ trẻ thấy mình thể hiện tốt, cả ở trường học lẫn trong những hoạt động khác. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc của trẻ. Việc biết rằng mình có thể thành công trong những chuyện mình thực hiện sẽ giúp trẻ cảm thấy bản thân có năng lực và sự tự tin. Khi trẻ ít có trải nghiệm về thành công, trẻ sẽ phải đương đầu với nỗi thất vọng và có thể sẽ nhìn bản thân theo những cách tiêu cực. Bằng việc học cách trân trọng thế mạnh và nỗ lực của bản thân cũng như của người khác, trẻ sẽ phát triển khả năng phục hồi về cảm xúc cần thiết để quản lý sự thất vọng và chán nản. Cha mẹ và người chăm sóc có thể hỗ trợ tinh thần về sự phát triển cảm xúc của trẻ nhỏ bằng cách thể hiện sự thấu hiểu cảm giác của trẻ cũng như đưa ra lời động viên và khen ngợi cụ thể cho những nỗ lực của các em.

Học cách kiểm soát cảm xúc

Giúp trẻ học cách chấp nhận những cảm xúc và hiểu mối liên hệ giữa cảm xúc và hành vi sẽ hỗ trợ cho sự phát triển cảm xúc của trẻ. Ví dụ tiếp theo cho thấy cách mẹ của Josh cẩn thận lắng nghe và đặt câu hỏi giúp Josh nhận diện những cảm xúc khiến cậu bé cảm thấy buồn phiền. Josh cảm thấy buồn khi cậu bé ngã khỏi ván trượt và các bạn khác cười nhạo cậu. Josh trở nên giận dữ với các bạn và nói với mẹ rằng những bạn khác thật ác độc. Mẹ đã hỗ trợ sự phát triển cảm xúc của Josh bằng cách giúp cậu khám phá những cảm giác của mình.

  • Josh: “Các bạn ấy thật ác độc”
  • Mẹ: "Nghe có vẻ như con đang thực sự rất giận dữ với các bạn. Chuyện gì đã xảy ra vậy?”
  • Josh: “Bọn nó cười nhạo con”
  • Mẹ: "Ồ, mẹ hiểu. Con có biết các bạn cười chuyện gì không?”
  • Josh: "Con ngã khỏi ván trượt. Ván trượt không xoay theo hướng con nghĩ”
  • Mẹ: "Nghe nó có vẻ khó nhỉ”
  • Josh: "Đúng vậy ạ”
  • Mẹ: "Và con cũng đã cố gắng rất nhiều”
  • Josh: (Gật đầu)

Nhìn nhận và khám phá cảm xúc của bản thân giúp Josh cảm thấy được thấu hiểu. Với sự hỗ trợ của mẹ, điều này giúp cậu bé dễ dàng suy nghĩ cẩn thận về việc mình có thể làm gì để cải thiện tình hình và cảm thấy tích cực hơn. Mẹ của Josh có thể hỗ trợ các bước tiếp theo bằng cách hỏi cậu bé về những điều cậu nghĩ sẽ làm mọi chuyện tốt đẹp hơn. Mẹ cũng có thể đề xuất một số giải pháp để Josh cân nhắc. Cách tiếp cận những khó khăn của Josh theo hướng này sẽ giúp cậu thấy được những cảm xúc khó chịu liên hệ với vấn đề như thế nào. Đồng thời, Josh cũng thấy vấn đề có thể được cân nhắc cũng như giải quyết ra sao.

Những điểm chính trong việc hỗ trợ sự phát triển cảm xúc của trẻ

Việc cung cấp sự hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển cảm xúc bắt đầu bằng việc chú ý đến những cảm nhận của trẻ và quan sát cách trẻ quản lý chúng. Bằng cách nhìn nhận phản ứng cảm xúc của trẻ và đưa ra sự hướng dẫn, cha mẹ, người chăm sóc và nhân viên trong trường có thể giúp trẻ hiểu và chấp nhận những cảm xúc của mình, đồng thời phát triển các chiến lược hiệu quả để quản lý chúng.

Nắm bắt được cảm nhận và cảm xúc của trẻ

Một số cảm xúc rất dễ nhận dạng, nhưng một số khác thì không rõ ràng như vậy. Để nắm bắt được cảm xúc của trẻ cần phải nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của các bé, lắng nghe xem trẻ nói gì và cách trẻ nói những điều đó ra như thế nào, đồng thời cũng cần quan sát hành vi của trẻ. Điều này giúp bạn phản hồi lại nhu cầu của trẻ hiệu quả hơn và cung cấp những hướng dẫn cụ thể hơn để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc của mình.

Giúp trẻ nhận biết và hiểu được cảm xúc

Tận dụng các cơ hội trò chuyện dạy trẻ về cảm xúc sẽ giúp trẻ hiểu thêm về cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. Khuyến khích trẻ cảm thấy thoải mái với cảm xúc của bản thân và tạo điều kiện để trẻ luyện tập nói về cảm nhận của mình sẽ giúp trẻ phát triển cách quản lý cảm xúc tốt hơn trước.

Đặt ra những giới hạn cho việc thể hiện cảm xúc không phù hợp

Việc có nhiều loại cảm xúc và cảm nhận khác nhau là hoàn toàn bình thường. Việc trẻ hiểu được điều này cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, có những giới hạn trong cách thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Vì vậy, bên cạnh việc nhìn nhận cảm xúc của trẻ, việc đặt giới hạn với những hành vi hung hăng, không an toàn hay không phù hợp là rất cần thiết.

Là tấm gương cho trẻ noi theo

Trẻ em học về cảm xúc và cách thể hiện cảm xúc phù hợp thông qua việc quan sát người khác - đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc và nhân viên trong trường. Chỉ cho trẻ cách bạn hiểu và quản lý cảm xúc sẽ giúp trẻ học hỏi từ chính ví dụ của bạn. Ví dụ như bạn có thể nói: “Cha/Mẹ xin lỗi, cha/mẹ không giữ được bình tĩnh” (vì không cha mẹ nào là hoàn hảo cả) và sau đó chỉ cho trẻ cách bạn sửa chữa lỗi lầm như thế nào.

Khi nói đến sự phát triển của trẻ, cảm nhận là rất quan trọng. Ai cũng có khả năng có cảm giác “ngợp” lúc này hay lúc khác nhưng một số trẻ có thể phản ứng dữ dội hơn trước những trải nghiệm thường ngày so với những người khác. Vì vậy, việc hiểu được tính cách ảnh hưởng đến cảm nhận như thế nào sẽ rất hữu dụng. Trẻ nhỏ đặc biệt cần người lớn hỗ trợ trong việc phát triển kỹ năng thích ứng để quản lý cảm xúc. Một cách tuyệt vời để giúp những trẻ có vấn đề về cảm xúc là làm mẫu trong việc nói chuyện về cảm xúc và trở nên bình tĩnh.

Điều này đặc biệt có ích khi hỗ trợ trẻ đối diện với nỗi sợ và lo lắng. Ai cũng có thể sợ hãi, và trẻ em sợ hãi vì nhiều lý do khác nhau. Trẻ nhỏ thường sợ những thứ trong trí tưởng tượng như quái vật trốn dưới gầm giường. Trẻ lớn hơn thường sợ những thứ thực tế có thể xảy ra, như bị đau. Tất cả trẻ em đều cần được trấn an và hỗ trợ để chúng có thể học cách tự đương đầu với nỗi sợ và sự lo lắng.

Trẻ lớn hơn cũng có thể hưởng lợi từ việc hiểu được mối quan hệ giữa việc đương đầu với nỗi sợ và tự thoại tích cực. Việc nhận biết ý nghĩa trong cảm xúc của trẻ đòi hỏi việc điều chỉnh cho phù hợp với trẻ, phản hồi lại những gì bạn nhận ra, đồng thời hỏi trẻ những câu hỏi mở. Việc giúp trẻ quản lý cảm xúc của mình sẽ xây dựng khả năng tự nhận thức cảm xúc, cũng như giúp trẻ hiểu được việc suy nghĩ ảnh hưởng đến cảm nhận như thế nào.  

Nguồn: https://www.kidsmatter.edu.au/mental-health-matters/social-and-emotional-learning/emotional-development