Thư viện

Từ khi lọt lòng đến 12 tháng tuổi: Phát triển cảm xúc xã hội

Từ khi lọt lòng, trẻ em học cách nhận biết mình là ai/ nhận biết bản thân thông qua cách chúng được đối xử.

tu khi lot long tre em hoc cach nhan biet minh la aiNhững mối quan hệ yêu thương cho trẻ ý thức được sự an ủi, an toàn, tự tin và được khuyến khích; đồng thời dạy cho trẻ cách hình thành tình bạn, giao tiếp cảm xúc và đối diện với thách thức. Những mối quan hệ vững chắc và tích cực cũng giúp trẻ phát triển sự tin cậy, cảm thông, lòng trắc ẩn và nhận thức được đúng – sai.

Từ khi lọt lòng, trẻ em học cách nhận biết bản thân thông qua cách chúng được đối xử. Thông qua các tương tác hằng ngày, cha mẹ, người thân và người chăm trẻ gửi cho trẻ thông điệp: Con thật thông minh. Con thật giỏi khám phá thế giới. Con được yêu thương. Con làm ta cười. Ta thích ở bên cạnh con. Những thông điệp này hình thành lòng tự trọng ở trẻ.

Một em bé 6 tháng tuổi cười nắc nẻ khi mẹ của bé phủ một cái khăn ăn lên mặt bé, và rồi kéo khăn ra, nói: “Ú òa”. Mỗi khi mẹ bé đặt lại khăn lên bàn, em bé sẽ nói: “e, e, e” và đá chân đá tay để mẹ hiểu rằng bé thích chơi lại trò này. Mẹ chiều theo bé và tiếp tục chơi cùng đến khi bé chán. Em bé này đang khám phá rằng những mối quan hệ với người khác thật vui và hài lòng, rằng bé giỏi giao tiếp và nhu cầu, mong muốn của bé được xem trọng.

Bạn có thể làm gì

Cho trẻ sự chăm sóc đáp ứng

Chăm sóc đáp ứng nghĩa là cách chăm sóc phải tương ứng với những gì trẻ cần. Ví dụ, em bé 10 tháng tuổi có thể bắt đầu đá chân tay, bập bẹ và chụp đồ trong bữa ăn để chứng tỏ bé thật sự muốn nắm cái muỗng của mình. Bạn biết rằng bé chưa thể tự ăn một mình, vì vậy bạn cho bé một cái muỗng nhỏ để bé giữ trong tay khi bạn tiếp tục cho bé ăn bằng cái muỗng khác. Đây chính là chăm sóc đáp ứng vì bạn dành thời gian để nghĩ về ý nghĩa của ứng xử của bé và tìm ra cách để hỗ trợ bé.

Việc của bạn:

  • Tìm hiểu con mình. Bé thích và không thích gì? Đồ chơi yêu thích của bé là cái nào? Lịch trình hằng ngày nào phù hợp với bé?
  • Xây dựng mối quan hệ cởi mở và cộng tác với người chăm trẻ của bạn. Hãy trao đổi với người chăm trẻ về con bạn – tính cách của bé, bé thích làm gì, điều gì có thể xoa dịu bé, điều gì khiến bé không vui. Chia sẻ lịch trình hằng ngày của bé và những hoạt động điển hình. Hiểu nhiều hơn về con bạn (và gia đình bạn) giúp người chăm trẻ đáp ứng những gì bé cần. Sự cộng tác với người chăm trẻ giúp đảm bảo cả hai bên đều cảm thấy được tôn trọng và hỗ trợ.

Hỗ trợ bé phát triển các kỹ năng

Trẻ em học tốt nhất khi bạn cho chúng chơi, khám phá và theo đuổi sở thích của chúng. Trẻ phát triển những kỹ năng mới khi bạn chỉ hỗ trợ vừa đủ để bé có thể vượt qua trở ngại mà không phải nản lòng quá mức. Ví dụ, nếu bạn thấy một em bé 5 tháng tuổi cố lật mình, bạn có thể giữ một đồ chơi bên cạnh bé để bé rướn thân mình tóm lấy nó.

Việc của bạn:

  • Hứng khởi với những khám phá của bé. Con tìm được mẹ rồi. Con kéo khăn choàng che mặt mẹ và mẹ đây rồi. Xây dựng trên những kỹ năng có sẵn của bé. Ví dụ: nếu con bạn đang thử xây tháp từ các cục gỗ và đã xây cao được 2 cục, bạn hãy đặt cục thứ 3 lên trên và đưa cho bé cục thứ tư để bé xếp tiếp.

Hãy trìu mến và nuôi dưỡng

Những hành động như chạm, giữ, an ủi, lắc, hát và nói chuyện với bé đều truyền đi thông điệp rằng bé thật đặc biệt và được yêu thương. Chúng ta dễ trìu mến khi bé dễ thương và âu yếm, nhưng cũng rất quan trọng để nuôi dưỡng khi bé khó chịu, nhắng nhít, khóc lóc hay đau bụng. Khi bạn có thể bên cạnh con trong những thời gian khó khăn, trẻ em sẽ hiểu rằng chúng được yêu thương vì chính bản thân chúng – bất kể có như thế nào.

Việc của bạn:

  • Ôm và hôn con. Hãy để con bạn biết rằng con được thương yêu như thế nào.
  • Kiên nhẫn trong những giai đoạn khó khăn. Đau bụng, khóc lóc, nhặng xị là một phần của giai đoạn trẻ nhỏ. Khi bạn có thể hỗ trợ con kể cả lúc khó khăn nhất, bạn đang giúp con hiểu rằng bé có thể tin tưởng và tin cậy ở bạn. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và nhiều khả năng là trẻ sẽ học cách tự bình tĩnh khi trẻ lớn.

Giúp con bạn cảm thấy an toàn và được đảm bảo

Việc phản hồi với tiếng khóc của con và những hình thức giao tiếp khác, ví dụ như, bế con lên khi bé huơ tay như thể muốn nói: “Lên”, từ đó bạn giúp con mình cảm thấy an toàn và được đảm bảo.

Trẻ em cảm thấy được đảm bảo khi chúng được bạn thương yêu và khi ngày ngày trải qua đều biết trước. Chính là tình yêu và sự tin tưởng bạn sẻ chia giúp con bạn biết rằng bạn luôn có bên cạnh con. Sự tin tưởng này giúp con tự tin.

Việc của bạn:

  • Hãy là “chốn an toàn” cho con bạn. Hãy dõi mắt theo con khi bé bò đi xa rồi bò lại chỗ bạn. Bé muốn chắc chắn rằng bạn vẫn ở đó và có thể chờ đợi bạn nói vài lời khuyến khích để bé tiếp tục khám phá.
  • Hãy lập lịch hoạt động hằng ngày cho bé. Biết trước những gì diễn ra giúp bé cảm thấy an toàn, tự tin và kiểm soát được thế giới của bé. Cố gắng giữ lịch trình hoạt động thường ngày theo đúng thứ tự vào đúng thời gian. Ví dụ, có thể là đi dạo buổi sáng, sau đó thay tã, sau đó bú sữa và rồi kể chuyện cho bé nghe.

Hãy tìm cách để khiến văn hóa gia đình trở thành một phần trong những hoạt động hằng ngày của bé

Văn hóa của trẻ là một phần quan trọng làm nên con người của bé. Mối quan hệ của bé với văn hóa giúp hình thành tính cách và lòng tự trọng một cách lành mạnh và tích cực.

Việc của bạn:

  • Hướng dẫn cho người chăm trẻ những từ mà gia đình bạn thường dùng để gọi những người quan trọng như mẹ, bố, ông bà, và những vật quan trọng như bình, mền, ti…)
  • Chọn sách và âm nhạc phản ánh văn hóa gia đình. Những thứ này thường miễn phí tại thư viện công cộng và sẽ nhạnh chóng trở thành một phần ưa thích trong hoạt động hằng ngày của bé: giờ đi ngủ, giờ tắm hay khi bé ở trong xe.

Nguồn: https://www.zerotothree.org/resources/238-birth-to-12-months-social-emotional-development