Thư viện

Môi trường giao tiếp tích cực

Tác giá: Darrell Meece and Anne K. Soderman

Thiết lập Các Giai Đoạn Phát Triển Xã Hội Cho Trẻ Em

Hầu hết chúng ta đều đã trải nghiệm việc bước vào phòng của ai đó và hầu như ngay lập tức cảm thấy thoải mái dễ chịu; nhưng cũng có lúc chúng ta bỗng cảm thấy không thoải mái hoặc bất an. Những cảm giác này đến từ những khía cạnh khác nhau của môi trường giao tiếp – nhưng quan trọng nhất chính là những người đang cùng chia sẻ không gian giao tiếp với chúng ta. Là một sinh vật xã hội, con người có mối liên hệ đến những người khác trong môi trường mà họ tạo ra thông qua tương tác giao tiếp với nhau. Bởi vì môi trường như thế này được tạo ra thông qua giao tiếp và tương tác, nên chúng ta có thể gọi chung là môi trường giao tiếp. 

Hiện nay các nhà giáo dục ngày càng quan tâm đến sự tự ý thức và kỹ năng giao tiếp xã hội ở trẻ em nên chúng ta cần tìm hiểu thêm các khái niệm về môi trường giao tiếp, xây dựng bởi Kostelnik, Stein, và Whiren (1988) hơn 20 năm trước đây.

Theo Kostelnik và đồng nghiệp của cô, Stein và Whiren, thì trong suốt thời thơ ấu chính người lớn là người tạo ra môi trường giao tiếp. Môi trường này bao gồm cả ngôn ngữ và phi ngôn ngữ như người lớn nói bao nhiêu, nói những gì, nói như thế nào, nói chuyện với ai và họ lắng nghe như thế nào. Phong cách giao tiếp này ảnh hưởng lớn đến sự nhận thức của trẻ về giá trị của bản thân (1988, 29).

Môi trường giao tiếp tích cực là một môi trường trong đó trẻ em cảm thấy được tôn trọng (Kostelnik et al. 2009). Nó khơi dậy các cảm giác tích cực, niềm tin về chính mình và những người xung quanh (Meece & Mize 2009) và thúc đẩy tính kỉ luật (Gartrell 2007). Người lớn có thể tạo ra môi trường giao tiếp tích cực cho trẻ bằng cách tương tác với trẻ theo cách mà trẻ cảm thấy được tôn trọng và đặc biệt (Stanulis & Manning 2002). Ngược lại, người lớn sẽ tạo ra môi trường giao tiếp tiêu cực khi nói chuyện với trẻ theo cách làm trẻ cảm thấy bị coi thường hay vô dụng hay thấy mình là trung tâm của các lỗi lầm và xung đột. Chất lượng của môi trường giao tiếp tạo điều kiện cho sự phát triển nhận thức của trẻ em về bản thân và người khác (Gartrell 1997; Meece, Colwell, & Mize 2007).

Bí quyết nâng cao kĩ năng tương tác xã hội

Các biện pháp giáo dục sau đây sẽ giúp tạo ra một môi trường an toàn và phong phú để thúc đẩy sự phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ.

1. Nhận biết và tôn trọng mỗi đứa trẻ như một cá thể riêng biệt.

Giáo viên khiến trẻ cảm thấy đặc biệt và được mong chờ bằng cách chào đón chúng nồng nhiệt khi đến lớp (Kostelnik et al. 2009). Chào hỏi mỗi đứa trẻ mỗi ngày. Gọi mỗi trẻ bằng tên riêng, và đảm bảo rằng giao tiếp phi ngôn ngữ của bạn phù hợp với giao tiếp ngôn ngữ tích cực; giao tiếp với trẻ bằng nụ cười, ánh mắt ấm áp, và những va chạm ân cần. Hãy đặc biệt cẩn thận khi chào đón những trẻ có xu hướng nhút nhát, để chúng không có cảm giác bị bỏ rơi. Biết được sự hứng thú của mỗi đứa trẻ có thể giúp giáo viên trò chuyện một cách cởi mở và giúp trẻ tham gia chủ động trong lớp học. Hãy lấy sự hứng thú của trẻ làm cơ sở cho các giao tiếp và hoạt động (Kostelnik et al. 2009). Hãy để trẻ làm chủ trong các giao tiếp và trò chơi. Hãy xem xét đến sự hứng thú của trẻ khi lập kế hoạch hoạt động, các trung tâm, các dự án, và các chủ đề và khi lựa chọn dụng cụ học tập và sách. Trong môi trường giao tiếp tiêu cực, người lớn không quan tâm đến niềm hứng thú của trẻ em và chỉ tập trung vào các hoạt động hoặc giao tiếp theo hứng thú, theo giáo trình của mình. Hãy nhớ sử dụng tên của trẻ một cách tích cực. Không bao giờ dùng tên của trẻ đồng nghĩa với một mệnh lệnh yêu cầu trẻ dừng lại việc gì đó, và đừng kêu tên trẻ bằng cách quát tháo hay bằng giọng tiêu cực khác.

2. Thể hiện sự hứng thú đối với trẻ và các hoạt động của chúng.

Hãy tích cực giao tiếp ở chiều cao của trẻ: quỳ, ngồi xổm, hoặc ngồi, để mắt của bạn ngang hàng với mắt trẻ (Kostelnik et al 2009.). Khi hướng dẫn trẻ làm việc gì, hãy đến gần trẻ chứ không được gào thét hay la lớn trong phòng. Tham gia đầy đủ vào các trò chơi của trẻ, nhưng theo sự dẫn dắt của trẻ thay vì chỉ đạo chúng. Ngược lại, trong môi trường giao tiếp tiêu cực, người lớn không chủ động tương tác với trẻ em và luôn tập trung vào giáo trình hàng ngày và ổn định lớp học. Họ ít hoặc không quan tâm đến hứng thú và các hoạt động của trẻ.

Một cách khác để trẻ thấy bạn có hứng thú là sử dụng phản ánh hành vi (Meece 2009) mô tả một số khía cạnh của hành vi của trẻ. Các lời nói này nhắm thẳng vào trẻ chứ không phải đang nói đến một bên thứ ba khác (ví dụ, "Con đang xây một tòa nhà cao tầng bằng ghép hình" chứ không nên nói "Sheila lúc nào cũng chơi ghép hình"). Phản ánh hành vi sử dụng từ vựng phi phán xét ("Hai con đang chơi cùng nhau") ngược với các phán xét, dù tích cực hay tiêu cực ("Hai con không đối xử tốt với bạn"). Người lớn cũng có thể thúc đẩy tính sáng tạo ở trẻ bằng các câu nói khuyến khích, chẳng hạn như "Con đang thực sự làm việc chăm chỉ" hoặc "Con đang phối màu xanh và màu đỏ."

Hãy lắng nghe trẻ em một cách chủ động. Trẻ em cảm thấy được tôn trọng khi giáo viên tỏ ra quan tâm đến những gì chúng đang nói. Một cách lắng nghe hiệu quả là sử dụng các phản xạ diễn giải (Gordon 1992), trong đó bạn lặp lại lời nói của trẻ em theo cách của bạn. Ví dụ, nếu một đứa trẻ nói, "Tàu đi lên," bạn có thể nói, "Con đang làm cho các tàu đi lên đồi rồi." Trong môi trường giao tiếp tiêu cực, người lớn phớt lờ trẻ, chỉ chú ý hời hợt với những gì trẻ nói, hoặc cho trẻ thấy mình bị làm phiền khi trẻ giao tiếp.

3. Trò chuyện lịch sự.

Trong môi trường giao tiếp tích cực, giáo viên kiên nhẫn và lịch sự khi nói chuyện với trẻ em, với cha mẹ, và với nhau (Kostelnik et al. 2009). Các giáo viên không làm gián đoạn câu chuyện của trẻ. Trong môi trường giao tiếp tiêu cực, người lớn thường không lịch sự với trẻ - nói chuyện thiếu tôn trọng hoặc sử dụng từ ngữ mỉa mai, chỉ trích khi nói chuyện với trẻ hoặc khi nói chuyện với người khác về trẻ. Hãy tìm cơ hội để giao tiếp với trẻ một cách không chính thức, chẳng hạn như trong các bữa ăn nhẹ, ăn trưa, hoặc khi đang chơi bên ngoài. Khuyến khích trẻ thể hiện mình bằng cách sử dụng các ngôn ngữ mở như "Kể cho cô/thầy nghe tiếp nào", "Tiếp theo thì sao?" Hoặc "Và sau đó thì sao?" Mời trẻ phát biểu ý kiến, để tất cả trẻ thấy rằng chúng có đóng góp trong lớp học. Điều này có nghĩa là dành thời gian để lắng nghe và phản ứng tích cực với tất cả các trẻ, đặc biệt là với những trẻ học song ngữ, vì chúng cần được trải nghiệm với ngôn ngữ và chúng rất dễ có nguy cơ bị "bỏ rơi" do hạn chế ngôn ngữ (Wolfe 1992). Ngược lại, trong môi trường giao tiếp tiêu cực, người lớn tránh nói chuyện với trẻ hoặc không khuyến khích trẻ phản ứng với ý kiến của người lớn. Người lớn nói chuyện với trẻ em chủ yếu để yêu cầu, nêu ra các quy định, và cố gắng thay đổi hành vi của trẻ. Trẻ em phát triển nhận thức tích cực hơn về bản thân và những người khác khi người lớn không đưa ra các nhận xét mang tính phê phán với chúng hay về chúng. Tránh áp đặt cho trẻ là bủn xỉn, xấu xa hay thậm chí là tốt đẹp. Hãy đánh giá các sự kiện một cách tích cực hoặc trung tính, cho trẻ thấy lợi ích của việc xem xét.

Ví dụ, nếu một đứa trẻ 3 tuổi làm đổ một tác phẩm ghép hình của một trẻ khác, bạn có thể nói với đứa trẻ đã xây tác phẩm ghép hình là "Ồ, hình như bạn đang muốn chơi cùng với con đó" Đây là một cách xử lý tích cực không chỉ với đứa trẻ đã xây hình ghép, mà còn tích cực với đứa trẻ làm đổ hình (Meece, Colwell, & Mize 2007); cả hai trẻ đều giải thích được nguyên nhân là do mong muốn được chơi.

4. Hãy hỏi nhiều câu hỏi. Đưa ra câu hỏi khuyến khích trẻ suy nghĩ và câu hỏi mà bạn đang thực sự tò mò và muốn biết câu trả lời. Câu hỏi mở là câu hỏi mà câu trả lời gồm nhiều hơn một hay hai từ (Hendrick 2000). Ví dụ, hãy hỏi đứa trẻ đang chơi con lăn, "Làm thế nào con có thể làm nó đi nhanh/chậm/xa hơn?" Đừng hỏi những câu hỏi tu từ hoặc câu hỏi không cần câu trả lời. Một câu hỏi như, "Con có muốn khỏi ra ngoài chơi hôm nay để ở nhà dọn đồ chơi không?" đây không phải là câu hỏi mà người lớn muốn trẻ trả lời. Hiểu sự sáng tạo của trẻ em cho phép người lớn đặt ra những câu hỏi hay hơn. Với trẻ nhỏ, các hoạt động manh tính nghệ thuật và sáng tạo cần được tập trung nhiều hơn vào quá trình hơn là kết quả hoặc sản phẩm cuối cùng (Szyba 1999). Một đứa trẻ có thể không được vẽ nên được một bức tranh hoàn hảo, nhưng nó có hứng thú ở các mặt khác trong quá trình thực hiện hoạt động vẽ, chẳng hạn như cảm giác đánh cọ hay pha màu. Hãy ủng hộ bằng cách hỏi các câu hỏi mở về các hoạt động sáng tạo của chúng, chẳng hạn như, "Con có thể kể cô/thầy nghe về bức tranh này không?" chứ không nên hỏi "bức tranh này vẽ gì?"

5. Sử dụng lời khen thích hợp để khuyến khích trẻ. Lời khen thích hợp là lời khen chân thành, có tính xây dựng và khuyến khích (Gartrell 2007). Trẻ em phát triển mạnh khi người lớn chú ý, ghi nhận nỗ lực của chúng cũng như kết quả đạt được và ghi nhận những thay đổi tích cực trong hành vi và khả năng của trẻ theo thời gian. Thúc đẩy sự phát triển của hành vi tiền xã hội (prosocial behavior) bằng cách chỉ ra những tác động tích cực của hành vi đó lên người khác. Hãy đối xử với các lỗi lầm của trẻ theo đúng bản chất của vấn đề, phản ứng bằng lời nói tích cực, kiên quyết, và để chúng có cơ hội phản ứng lại ("Trẻ thỉnh thoảng làm đổ nước trái cây. Được thôi, mình dọn và sẽ cho con thêm một ít"). Đừng bao giờ sử dụng từ ngữ hạ thấp trẻ; hãy sử dụng từ ngữ để khuyến khích thay vì triệt tiêu những nỗ lực và thành tích của trẻ.

Đôi khi người lớn khen ngợi trẻ em theo cách rất mơ hồ, trống rỗng, và không thành thật. Ví dụ, khen ngợi nhưng làm trẻ hụt hẫng ("Con dẹp hết đồ chơi một lần luôn nha"). Đừng bao giờ so sánh trẻ, khi khen ngợi đứa này thì đồng thời cố gắng thúc đẩy đứa khác ("Cô/thầy muốn tất cả các con đều dọn sạch hơn cả Amari"). Những lời nói này có tác dụng ngược lại chứ không hề thúc đẩy ý thức của trẻ. Trong môi trường giao tiếp tích cực, khen ngợi là nhằm để thúc đẩy động lực nội tại ở trẻ; trong môi trường giao tiếp tiêu cực, khen ngợi thường gắn với phần thưởng. Trong một môi trường tiêu cực, người lớn khuyến khích sự cạnh tranh chứ không phải sự hợp tác giữa các trẻ, vô tình làm trẻ căng thẳng và thất vọng (Hostetler 1992). Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng cạnh tranh để thúc đẩy hành vi "Bất cứ ai dọn dẹp nhanh nhất có thể ngồi bên cạnh cô/ thầy trong giờ ăn nhẹ."

6. Nêu ra rõ ràng các mong muốn của mình. Khi giáo viên nêu ra các quy tắc và hướng dẫn một cách tích cực, trẻ em biết phải làm gì thay vì không được làm những gì (Gartrell 1997). Thay vì nói "Không được chạy," hãy nói "Chúng ta đi bộ đi." Tránh dùng từ "không" và "dừng lại", thay vào đó hãy tập trung vào những gì mà bạn muốn trẻ làm. Hãy yêu cầu một cách cụ thể và rõ ràng. Tránh nói một cách mơ hồ như "Con phải tử tế" hay "hãy thân thiện". Hãy nói với trẻ em phải làm gì một cách rõ ràng, sử dụng từ vựng rõ ràng, thích hợp. Ví dụ, gợi ý cho trẻ, như "Con hãy nói với Amanda là bạn có thể đi xe ba bánh của mình khi mình đi xong" thay vì chỉ nói "Con tự nói với bạn đi". Trẻ em hiểu được mong đợi của người lớn khi người lớn giải thích được mục đích của các quy định và hướng dẫn. Trẻ em phát triển nhận thức đúng hay sai qua việc học từ tác động của các hành vi của mình đến người khác theo nguyên lý quy nạp (Hoffman 1983; Grusec & Goodnow 1994). Trong kĩ thuật quy nạp, giáo viên sử dụng "Thầy/cô" để mô tả tác động của hành vi, ví dụ, "Thầy/cô sợ con ngã" hoặc "Cô/ thầy buồn vì con làm tổn thương cô/thầy" hoặc "Cô/thầy rất hạnh phúc vì con đã chia sẻ". Trong môi trường giao tiếp tích cực, người lớn không giải thích nguyên nhân của các quy định cho trẻ, hoặc họ sử dụng quyền lực và đe dọa và làm cơ sở cho các quy định đó ("Bởi vì cô nói như vậy","hãy làm theo như vậy").

7. Tôn trọng khả năng của trẻ. Trong những năm đầu đời và mẫu giáo, trẻ em ngày càng muốn được tự chủ. Giáo viên cần để trẻ tự làm việc của mình. Trẻ có thể tự lau sạch nước trái cây bị đổ và rửa tay. Đôi khi người lớn càng tỏ ra tốt bụng thì vô tình càng cho trẻ thấy chúng vô dụng; ví dụ, nói với một đứa bé 2 tuổi, "Lại đây con, cô mặc áo khoác cho con nhé". Điều này đồng nghĩa bạn đã gửi một thông điệp là bạn nghi ngờ khả năng của trẻ, và khi nói như vậy liên tục trong một thời gian sẽ củng cố cảm giác ở trẻ là mình vô dụng. Hãy cẩn thận đặc biệt khi bạn bảo vệ quá mức một đứa trẻ nhút nhát và các trẻ em có khả năng khác nhau.

Hãy nhớ rằng có sự khác biệt văn hóa trong cách người lớn cho đâu là khuyến khích khả năng của trẻ và đâu là quan tâm đến nhu cầu chính đáng của trẻ. Trong một số nền văn hóa, người lớn tin rằng việc chăm sóc chu đáo là dấu hiệu của sự quan tâm, và điều này rất nhạy cảm với một nền văn hóa khác chú trọng hơn đến sự phát triển sự tự lập và tự chủ của trẻ.

8. Để trẻ học hỏi từ những hoạt động của chúng. Trẻ em là những người học tích cực, chúng xây dựng nhận thức về thế giới từ việc tương tác với thế giới. Cũng như việc chúng học tính chất vật lý của sự vật bằng trải nghiệm và học hỏi từ những sai lầm, chúng cũng nắm bắt thông tin xã hội thông qua trải nghiệm những kết quả tích cực cũng như tiêu cực từ các hoạt động của chính mình (Eaton 1997). Vì trẻ thường suy nghĩ thực tế, việc trải qua những  kết quả tự nhiên tức kết quả xảy ra mà không có người lớn can thiệp - là cơ hội học tập mạnh mẽ. Ví dụ, nếu một đứa trẻ cố tình phá vỡ một món đồ chơi, hậu quả tự nhiên là nó sẽ không còn đồ chơi để chơi. Tất nhiên, nếu hành động của một đứa trẻ có thể gây tổn hại hoặc về thể chất hoặc tình cảm - với chính nó hoặc người khác, thì giáo viên phải can thiệp, và kết quả tự nhiên sẽ không diễn ra. Khi trẻ em thực hiện hành vi hung hăng thì cần can thiệp ngay lập tức, và báo cho trẻ rõ ràng: "Mọi người ở đây đều an toàn. Cô sẽ không cho phép bất cứ ai làm tổn thương con, và cô sẽ không cho phép con làm tổn thương bất cứ ai khác."

Giáo viên cần liên hệ hành động của trẻ với những  kết quả hợp lý và thực tế. Trong ví dụ làm hỏng đồ chơi, giáo viên có thể yêu cầu trẻ giúp sửa chữa lại. Trong môi trường giao tiếp tích cực, người lớn đáp lại sai lầm của trẻ em bằng các lời nói khích lệ và mang tính xây dựng. Ngược lại trong môi trường giao tiếp tiêu cực, người lớn áp đặt những hậu quả và những hình phạt thiếu liên quan và độc đoán, không thực sự liên quan đến hành vi của trẻ.

9. Cho trẻ lựa chọn. Hãy cho trẻ có nhiều lựa chọn thật sự và cho phép chúng tự quyết định (Greenberg 1987; Eaton 1997). Chỉ cung cấp những lựa chọn trong khả năng và sẽ cho phép trẻ làm. Người lớn trong môi trường giao tiếp tiêu cực thường yêu cầu trẻ phải làm theo ý họ, hoặc nếu có đưa ra lựa chọn cho trẻ thì sẽ cho trẻ các lựa chọn giống mong muốn của người lớn hoặc các lựa chọn quá khó chịu mà trẻ sẽ không bao giờ chọn. Những lựa chọn như vậy thường thao túng trẻ để chúng chọn cái mà người lớn muốn, do đó các lựa chọn là không có thật. Trong trường hợp khác, người lớn thường không chuẩn bị, không sẵn sàng, hoặc không thể làm theo quyết định của trẻ. Ví dụ, trẻ chọn việc ngồi yên lặng một lúc, hoặc lát nữa không được ra ngoài trời - lựa chọn là không có thật vì không có đủ giáo viên để vừa giám sát trẻ trong lớp vừa dẫn nhóm còn lại ra ngoài trời. Bởi vì các giáo viên cho rằng trẻ sẽ chọn ngồi yên để được ra ngoài chơi, nhưng giáo viên sẽ chưa chuẩn bị để xử lý tình huống khác. Các hoạt động sáng tạo và nghệ thuật là cơ hội tuyệt vời để cho phép trẻ em tự do lựa chọn. Việc đưa ra một bài mẫu hoàn chỉnh trong các bài học về nghệ thuật sẽ cản trở sự sáng tạo của trẻ. Tránh khơi  gợi cho trẻ thấy rằng chỉ có một cách duy nhất để sử dụng chất liệu nghệ thuật.

10. Lôi kéo gia đình cùng tham gia. Lớp học với môi trường giao tiếp tích cực là những nơi mà gia đình cảm thấy được tham gia và được chào đón. Các kỹ thuật sử dụng để giao tiếp với trẻ em có thể được áp dụng trong gia đình. Cần tương tác với cha mẹ thường xuyên, hoặc trực tiếp gặp gỡ hoặc thông qua các thư hoặc các phương tiện khác. Thừa nhận và thảo luận những khác biệt văn hóa trong quan niệm giáo dục trẻ em (GonzalezMena & Shareef 2005). Trong môi trường giao tiếp tiêu cực, giáo viên thường tránh liên hệ với gia đình và cảm thấy không thoải mái với một số bậc cha mẹ, và do đó không trao đổi được với gia đình những thông tin quan trọng về trải nghiệm và tiến triển của trẻ.

Kết luận

Không có cách riêng nào để xây dựng và duy trì môi trường giao tiếp tích cực cho trẻ. Chúng ta có cách tương tác và giao tiếp khác nhau, và bởi vì môi trường giao tiếp được tạo ra bởi chính các cá nhân tương tác trong môi trường đó, nên nó phản ánh đúng sự tương tác của những người tham gia. Tuỳ mỗi người chúng ta cần lựa chọn phương pháp nào phù hợp nhất với cách giao tiếp hàng ngày và phù hợp với đối tượng trẻ khác nhau. Có lẽ nền tảng cơ bản nhất chỉ đơn giản là chu đáo và tử tế. Những giáo viên nhận thức vai trò của mình là quan trọng trong việc xây dựng một môi trường giao tiếp tích cực sẽ có khả năng thay đổi môi trường từ tiêu cực sang tích cực hơn (Stanulis & Manning 2002). Bằng sự nồng hậu và tinh tế, họ tạo ra môi trường giao tiếp tích cực trong đó trẻ em cảm thấy an toàn để phát triển và thực hành các kỹ năng xã hội.

Nguồn: Young Children - Nội dung bài viết tiếng Anh: xem tại đây