Thư viện

Giúp trẻ em chơi mà học

Tác giả: Michaelene M. Ostrosky và Hedda Meadan

Các bé mẫu giáo trong lớp của cô Mimi bận rộn cả ngày, các bé đang rèn luyện các kỹ năng mới như: đóng vai, giao tiếp luân phiên, kiểm soát mâu thuẫn, nhận biết âm vị học, kiến thức về toán và những kỹ năng học tập, ứng xử và kỹ năng xã hội khác. Cô Mimi hiểu mọi người thường kỳ vọng trẻ sẽ học được những kỹ năng học tập trong giai đoạn mẫu giáo, nhưng cô cũng lo rằng trẻ không có đủ kinh nghiệm để hình thành các kỹ năng xã hội. Khi cấp trên của mình ghé qua, cô Mimi chia sẻ vấn đề cô bận tâm là có thể không đáp ứng được nhu cầu xã hội của các bé. Cô nói: “Có những ngày tôi thấy mình quá lo lắng về chuyện dạy trẻ đọc – viết, làm toán hay những kỹ năng học tập khác nhiều đến nỗi liệu các em có đủ cơ hội học cách làm sao chơi cùng nhau”.

Vấn đề cô Mimi lo lắng khá quan trọng. Sẵn sàng đến trường đã trở thành sự quan tâm bậc nhất của các nhà giáo dục và hoạch định chính sách, khi mà sự phát triển xã hội của trẻ, là một chỉ dấu trọng yếu của sự điều chỉnh sự thành công ở trường và trong đời sống sau này của trẻ thường bị bỏ qua. (Theo Bowman, Donovan, & Burns 2000; Shonkoff & Phillips 2001).

Trong suốt giai đoạn thơ ấu, trẻ em học cách tương tác với người khác thông qua những phương thức tích cực và thành công. (Theo Bovery & Strain 2003a). Ví dụ, trẻ nhỏ sử dụng kỹ năng xã hội để khiến bạn bè chú ý, yêu cầu hay chủ động chia sẻ điều gì hay nói vài lời dễ thương với bạn bè.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ bạn bè tích cực trong giai đoạn thơ ấu và sau này (Theo Ladd 1999). Trong một vài báo cáo tầm quốc gia, ví dụ “Một sự khởi đầu tốt” – “A Good Beginning” (của Peth-Pierce 2000), “Ham học hỏi” – “Eager to Learn” (của Bowman, Donovan, & Burns 2000), “Từ tế bào thần kinh đến vùng lân cận” – “From Neurons to Neighborhoods” (của Shonkoff & Phillips 2001), báo cáo của Ewing Marion Kauffman Foundation năm 2002 về sự phát triển cảm xúc xã hội đã thảo luận về vai trò quan trọng của sự phát triển cảm xúc xã hội ở giai đoạn mẫu giáo để thành công trong trường học. Những nghiên cứu này xác định một số kỹ năng cảm xúc xã hội và các năng lực giúp những học sinh mới học mẫu giáo thành công:

  • Tự tin
  • Khả năng phát triển mối quan hệ tốt với bạn bè
  • Tập trung và kiên định với những nhiệm vụ thách thức
  • Chú ý và lắng nghe hướng dẫn
  • Có thể giải quyết các vấn đề xã hội
  • Giao tiếp cảm xúc một cách hiệu quả

Sự thiếu vắng các tương tác xã hội tích cực trong thời thơ ấu có liên quan đến những hậu quả tiêu cực sau này trong cuộc sống như: sống khép kín, cô đơn, trầm cảm và cảm giác lo lắng. Thêm vào đó, ít được bạn bè chấp nhận trong giai đoạn đầu đời là một yếu tố dự báo cho việc ở lại lớp, bỏ học và những vấn đề về hành vi và sức khỏe tinh thần (theo Ladd 1999).

Mô hình Kim Tự Tháp trong giáo dục kỹ năng xã hội

Các nhà giáo dục có thể làm nhiều việc để thúc đẩy, hỗ trợ những tương tác xã hội tích cực và ngăn chặn những hành vi khó khăn. Họ có thể phát triển mối quan hệ tích cực với mỗi đứa trẻ, cấu trúc môi trường vật lý - xã hội để hỗ trợ những tương tác tích cực và dạy từng trẻ những kỹ năng xã hội mà trẻ chưa có.

Tiến sỹ Fox và đồng nghiệp (2003) đã mô tả khung chương trình Kim Tự Tháp để hỗ trợ năng lực xã hội và ngăn ngừa những hành vi thách thức ở trẻ nhỏ (xem thêm tại www.vanderbilt.edu/csefeland & www.challengingbehavior.org). Mô hình Kim Tự Tháp bao gồm 4 cấp độ thực hành để giải quyết các nhu cầu của tất cả trẻ em:

(1) Xây dựng mối quan hệ giàu có và tích cực với trẻ em, gia đình và đồng nghiệp;

(2) Thiết lập môi trường hỗ trợ chất lượng cao;

(3) Sử dụng những hỗ trợ xã hội, cảm xúc và chiến thuật dạy học;

(4) kế hoạch can thiệp cá nhân hóa chuyên sâu.

Trọng tâm của mô hình Kim Tự Tháp là xúc tiến và ngăn ngừa, với cấp độ trên cùng là can thiệp cá nhân hóa - chỉ sử dụng khi cần thiết; ba cấp độ dưới cùng là nền tảng, chỉ một số ít trẻ em cần sự hỗ trợ chuyên sâu. Bài này nêu bật những chiến thuật và môi trường hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển những kỹ năng tương tác bạn bè của các bé mẫu giáo – những kỹ năng mà các bé cần để tương tác thành công với nhau, ví dụ như chia sẻ, giao tiếp luân phiên, nhờ giúp đỡ và giúp đỡ bạn. Chúng tôi sử dụng dạng Hỏi – Đáp để mô tả chiến lược hỗ trợ dạy cấp độ 2 và 3 trong mô hình Kim Tự Tháp (tạo mô trường hỗ trợ và khuyến khích những tương tác xã hội tích cực), với các câu hỏi do các nhà giáo dục khắp nước Mỹ đặt ra.

Cấu trúc môi trường vật lý

18 đứa trẻ trong lớp của tôi có nhiều điểm mạnh khác nhau và có những nền tảng ngôn ngữ văn hóa đa dạng. Lớp học chưa hình thành được bầu không khí cộng đồng trong lớp và tôi mong sẽ tạo dựng được trong năm học này. Khi tôi nhận ra hầu hết các bé không biết nhau trước khi vào nhóm, tôi cố khuyến khích mối quan hệ giữa các bé. Tôi phải làm gì trong lớp để thiết lập những tương tác bạn bè (như là nói chuyện, chơi và thích ở cùng nhau) đặc biệt là trong giờ chơi chung?

Khi cân nhắc thiết kế của môi trường vật lý lớp học, hai nhân tố liên quan đến phát triển cảm xúc xã hội cần chú ý cẩn thận: những chiến lược thúc đẩy sự tham gia và ý tưởng để ngăn ngừa những hành vi khó khăn. Những khía cạnh vật lý và cảm xúc xã hội của môi trường lớp học mẫu giáo có thể tăng cường khả năng học tập của trẻ (Theo Curtis & Carter 2005). Các giáo viên cần đảm bảo rằng lớp học là nơi mà trẻ em muốn sống ở đó. Thêm vào đó, dạy những kỹ năng trẻ cần để[a15]  thiết lập mối quan hệ thành công với bạn bè là rất quan trọng.

Những khu học tập được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ trang thiết bị sẽ tăng khả năng trẻ tham gia chơi và học với nhau, đồng thời cũng giảm khả năng xuất hiện những hành vi khó khăn. Hãy xem xét những yếu tố sau đây khi thiết kế và duy trì các khu học tập:

  1. Sắp xếp: Đặt ra những ranh giới giúp trẻ biết chỗ bắt đầu/ kết thúc, tránh tình trạng quá đông, tách biệt những khu ồn ào với những khu yên tĩnh hơn để trẻ có thể tập trung vào việc chơi và học.
     
  2. Số lượng: Đảm bảo có đủ không gian cho tất cả các em, nhưng đừng quá nhiều vì các bé sẽ chơi một mình hầu hết thời gian. Tỷ lệ không gian trên số trẻ bị ảnh hưởng bởi tính cách chung của nhóm, nhu cầu và sở thích của nhóm, của cá nhân và những thiết kế vật lý (như kích thước và hình dạng phòng học và những đồ đạc cố định ảnh hưởng đến vị trí đặt các khu chức năng).
     
  3. Vật dụng: Hãy cung cấp những vật dụng thúc đẩy các bé chơi cùng nhau, như đạo cụ đóng kịch và quần áo hóa trang, vật dụng nghệ thuật phục vụ các dự án cộng tác và đồ chơi nông trại/ các động vật trong sở thú và những vật dụng gia đình đa dạng khác. Cung cấp đầy đủ đồ dùng để trẻ có thể thực hiện các kế hoạch của mình và không nản lòng khi phải chờ đợi sử dụng vật dụng trẻ muốn.
  4. Hình ảnh: Hãy trưng bày những tấm áp phích và hình ảnh trẻ em và người lớn đang bắt tay, ôm nhau vui đùa cùng nhau, bao gồm nhưng cuốn sách phản ánh tính đa dạng của cộng đồng và nhấn mạnh kỹ năng cảm xúc xã hội (xem danh sách sách tại www.vanderbilt.edu/csefel/resources/strategies.html) (theo Lawry, Danko, & Strain 1999; Bovey & Strain 2003b).

Hiệp hội Quốc gia vì sự giáo dục của trẻ nhỏ - NAEYC (theo Copple & Bredekamp 2009) và Bộ phận Giáo Dục Đầu Đời (theo Sandall và những người khác, 2005) đã đưa[a22]  ra những khuyến nghị và nguyên tắc phát triển những môi trường giáo dục đầu đời thích hợp. Những ý tưởng từ các tổ chức chuyên nghiệp[a23]  này có thể hỗ trợ giáo viên tạo ra môi trường mẫu giáo thuận lợi cho tương tác bạn bè.

Một số khu chức năng của tôi dường như thúc đẩy tương tác bạn bè, trong khi đó những khu khác thì trẻ lại thường chơi một mình. Vậy loại đồ chơi, hoạt động hay đồ dùng nào có nhiều khả năng tăng tương tác bạn bè?

Các khu chức năng hấp dẫn thu hút hầu hết trẻ em và phản ánh sở thích của chúng. Giáo viên nào cung cấp đồ dùng, hoạt động phù hợp và dựa trên sở thích của trẻ thì trong các lớp đó trẻ em thường bận rộn thiết kế và say sưa thực hiện kế hoạch. Đồ dùng của khu cần phải ý nghĩa, đáp ứng được và liên quan đến nhu cầu của trẻ, sở thích và cuộc sống (bao cồm những đồ dùng phù hợp với văn hóa như sách, tranh ghép, thực đơn nhà hàng phản ánh sự đa dạng sắc tộc và ngôn ngữ trong cộng đồng). Thay đổi hay xoay vòng đồ dùng thường xuyên cũng có thể tăng cường khả năng tương tác vì trẻ em thỉnh thoảng xem đồ dùng quen thuộc từ các khu khác như là một món đồ mới. Đạo cụ tự nhiên trong khu đồ dùng gia đình hay những đạo cụ về người, phương tiện thu nhỏ có khả năng thúc đẩy tương tác lẫn nhau hơn những đồ vật như giá vẽ nghệ thuật hoặc đất sét - những vật mà trẻ thường thích chơi một mình (theo Ivory & McCollum 1999; Bovey & Strain 2003b). Thêm vào đó, giáo viên có thể tổ chức cho các em sử dụng đồ dùng, tổ chức các hoạt động để khuyến khích chơi cùng nhau. Ví dụ, giới hạn số keo dán hay kéo có thể khuyến khích trẻ chia sẻ khi thực hiện hoạt động nhóm (đầu tiên giáo viên có thể hỗ trợ và làm mẫu việc chia sẻ). Tương tự, hãy tổ chức các hoạt động, ví dụ như ghép tranh, chia cho mỗi bé có vài mảnh ghép và các bé làm việc cùng để ghép các mảnh lại với nhau. Cuối cùng, phải đảm bảo rằng lớp học có vài khu yên tĩnh, có thể chơi một mình. Vì hầu hết trẻ em thỉnh thoảng cần thời gian nghỉ ngơi hay ở riêng một mình, một số em khác thì cần thường xuyên hơn.

Tăng cường môi trường xã hội

Tôi và trợ giảng để ý thấy rằng tất cả các nhóm tại bàn thỉnh thoảng nói nhiều trong giờ ăn, trong khi những lúc khác có một hoặc hai bàn thì im thin thít. Có phải chăng các em có thể tự do chọn chỗ ngồi, thành phần nhóm như thế nào sẽ tác động đến tương tác bạn bè?

Đặc điểm cá nhân của mỗi em như tính khí và sự tự tin, cùng với độ lớn của nhóm có thể ảnh hưởng đến cách các bé nói chuyện và tương tác với nhau (theo Bovey & Strain 2003b). Quan sát cách các em tương tác tự nhiên để tìm kiếm bạn chơi cùng là cách tuyệt vời để thu thập thông tin, sử dụng các cách đó thúc đẩy tương tác bạn bè sau này. Tập hợp các bé hướng ngoại với các bé nhút nhát có thể tạo điều kiện tương tác và phát triển những mối quan hệ trong quá trình hoạt động như ăn vặt hay chơi tập trung.Tạo bầu không khí để khuyến khích trò chuyện là cách hay để xây dựng khả năng xã hội và giao tiếp. Ví dụ, trong thời gian ăn hay ăn nhẹ, cẩn thận quan sát các bé và thỉnh thoảng chỉ định chỗ ngồi (có thể thông qua việc sử dụng các tấm thảm lót (tấm thảm này có thể thay thế cho ghế trong trường hợp lớp học không dùng ghế) được thiết thế sáng tạo) dựa trên những hiểu biết của bạn về kỹ năng ngôn ngữ và khả năng tiếp cận để tham gia của mỗi bé. Giáo viên có thể ghép đôi các bé để chia đồ dùng (khăn ăn, cốc, đồ ăn vặt) chơi các trò đoán (như “tôi đoán” hay “20 câu hỏi”) và sử dụng các câu mở đầu cuộc nói chuyện (Hãy kể cho tớ những điều thú vị cậu làm cuối tuần qua. Nếu cậu là một con vật, cậu muốn mình là con gì và tại sao? Đội thể thao yêu thích của cậu là gì?)

Có hai bé trong lớp của tôi mới nhập trường. Cả hai cực kỳ im lặng. Tôi phải làm gì để giúp các bé sống khép kín hay thực sự nhút nhát có thể chơi và kết bạn với các bé khác?

Ghép các bé ít phát triển về kỹ năng xã hội bên cạnh hay gần các bé có nhiều kỹ năng xã hội trong các hoạt động của nhóm lớn hay nhóm nhỏ là một cách khuyến khích tương tác ít gây khó chịu (theo Lawry, Danko, & Strain 1999; Bovey & Strain 2003b). Cố gắng ghép cặp bé nhút nhát với bé sôi nổi - có thể là hoạt động nhảy, chia sẻ thẻ bingo hay phân phối các đạo cụ chơi các trò chơi bằng ngón tay. Các hoạt động như Người Bạn Đặc Biệt trong tuần, theo đó bé được chỉ định sẽ kể cho cả nhóm nghe về đồ ăn, hoạt động, đồ chơi mà bé thích và như vậy các bạn cùng lớp sẽ biết về những sở thích chung của nhau.

Chiến lược để hỗ trợ tương tác với bạn bè

Một bé trong lớp tôi hiếm khi giao tiếp bằng mắt, thỉnh thoảng bé mới đến gần các bạn và hiếm khi đáp ứng lời mời chơi cùng của các bạn khác. Tôi có thể làm gì giúp bé xây dựng kỹ năng xã hội để bé thích chơi và học cùng bạn bè trong lớp?

Chơi phân vai, mô hình hóa các hoạt động như trò chơi, đưa ra phản hồi chính xác và nhắc nhở tương tác với bạn là những cách tuyệt vời để hỗ trợ tương tác bạn bè (theo Vaughn và những người khác 2003).

Đối với trẻ thiếu kỹ năng xã hội, như chia sẻ hoặc mời bạn chơi cùng, giáo viên cần thường xuyên tạo cơ hội xây dựng kỹ năng và tận dụng những khoảnh khắc dễ dạy. Ví dụ, tốt hơn là dạy trước tính chia sẻ cho các bé hay sau khi chúng bình tĩnh lại từ một cuộc tranh cãi hơn là sau khi các bé vừa giành nhau một món đồ chơi ưa thích. Một ví dụ khác, giáo viên nên đề nghị nhóm nhỏ các bé trong khu dọn nhà rằng mỗi bé lần lượt giữ máy tính tiền  trong 2 - 3 phút, rồi đến lượt bạn khác chơi. Bằng cách giúp trẻ học chia sẻ, giáo viên giúp đảm bảo, thông qua việc tạo điều kiện và nhắc nhở mỗi bé không chiếm riêng đồ mà bé thích.

Nếu một số bé trong lớp tôi chật vật khi tương tác với bạn bè, tôi có nên dạy kỹ năng xã hội cho từng bé một hay dạy cho tất cả các bé trong nhóm lớn hoặc nhóm nhỏ? Hay là tốt hơn tôi nên dạy mỗi bé theo từng tình huống?

Hình thức dạy kỹ năng xã hội phụ thuộc vào từng em và loại kỹ năng được dạy (theo Sugai & Lewis 1996). Nếu nhiều bé có cùng nhu cầu cần được hướng dẫn về kỹ năng xã hội. Ví dụ, vài bé có thể chật vật khi giao tiếp luân phiên hay tham gia vào một tình huống đóng vai/ vở kịch đang diễn ra, khi đó tốt nhất là dạy và cho các bé thực tập kỹ năng trong nhóm lớn. Tuy nhiên, nếu một bé phải xoay xở một mình với một kỹ năng (như làm tham gia vở kịch), có lẽ tốt hơn nên hướng dẫn cho bé từng bước rồi hỗ trợ bé thử sử dụng các kỹ năng mới.

Tôi hiểu rằng phản hồi cho trẻ là quan trọng khi chúng học và sử dụng những kỹ năng mới, như tự treo áo khoác, sử dụng kéo, chọn đồ chơi. Tôi nên dùng những chiến lược nào để củng cố những tương tác bạn bè tích cực?

Hãy chú ý đến các bé khi chúng tham gia những tương tác xã hội tích cực bằng cách sử dụng những khuyến khích bằng lời nói (Các con đang chơi với nhau rất dễ thương) hay bằng hành động (đập tay và cười). Hãy cẩn thận không gián đoạn hoạt động của trẻ chỉ để phản hồi. Mấu chốt là tìm đúng thời điểm. Ví dụ, nếu hai bé đang cùng thực hiện một tác phẩm nghệ thuật, hãy đợi cho cac bé hoàn thành công việc rồi mới đưa ra những phản hồi chi tiết, tích cực (Skye và Lizzy, cô để ý các con chia sẻ khuôn, cây lăn và đồ lau ống khi các con thực hiện tác phẩm đất sét. Các con dường như rất thích thú và đều có những sáng tạo thú vị).

Có vài phụ huynh hỏi tôi làm sao họ có thể giúp trẻ kết bạn. Họ đau lòng khi liên tục thấy con chơi một mình hay thật vất vả tham gia vào các trò đóng kịch. Vậy gia đình có thể làm gì ở nhà để giúp trẻ kết bạn?

Chúng ta phải nhớ rằng, khi ta muốn trẻ phát triển kỹ năng tương tác xã hội với bạn, một số trẻ muốn ở một mình nhiều hơn các bé khác, đó chỉ là tính cách cá nhân và cần được tôn trọng. Số lượng bạn bè nhiều hay ít không quan trọng bằng bé có sử dụng những kỹ năng tương tác xã hội với bạn thích hợp hay không. Khi gợi ý cho gia đình tạo điều kiện thúc đẩy kỹ năng xã hội với bạn bè, giáo viên cũng nên xem xét giá trị, niềm tin và văn hóa của gia đình.

Cũng cần cân nhắc khác biệt cá nhân của trẻ và gia đình, gia đình có thể sắp xếp thời gian chơi, làm mẫu cách tương tác với người khác, dành thời gian cho trẻ ở những nơi trẻ và gia đình tham gia những hoạt động thú vị như công viên, bảo tàng hay trong các sự kiện thể thao (theo Ladd 1999; Ostrosky, McCollum, & Yu 2007). Ở nhà, người lớn có thể giúp trẻ học và thực tập những kỹ năng mới như giao tiếp luân phiên, chia sẻ, khởi xướng hay phản hồi với anh chị em hoặc những thành viên khác trong nhà. Phụ huynh có thể chơi cờ bàn (board games) có liên quan đến giao tiếp luân phiên và có thể tạo các trò giả định tập trung vào xây dựng mối quan hệ (đóng giả trường học hay bệnh viện động vật là cách thú vị cho trẻ kết nối với các thành viên gia đình). Phụ huynh có thể hỗ trợ con mình học cách có qua có lại khi trò chuyện trong giờ ăn hoặc những kỹ năng xã hội khác có thể thúc đẩy trong khi làm việc nhà như nấu nướng, gấp quần áo, làm vườn (bằng cách giao tiếp luân phiên, trả lời các câu hỏi). Người lớn làm mẫu kỹ năng xã hội bằng cách đối xử với các thành viên trong gia đình và bên ngoài như khi họ mời hàng xóm đến các hoạt động và lễ kỷ niệm, khi gặp bà con họ hàng, và khi họ mời gọi con tham gia vào những nghi lễ gia đình (như người đặc biệt của ngày hôm đó hay các trò chơi vào buổi tối).

Kết luận

Hãy cẩn thận sắp đặt bối cảnh, tập trung vào kỹ năng, thế mạnh của trẻ và thường xuyên tán thưởng những điểm mạnh này trong môi trường đầu đời. Điều đó có thể thúc đẩy tương tác bạn bè của trẻ em. Mô hình Kim Tự Tháp (Fox và những người khác, 2003) đưa ra chương trình khung tư duy phản biện về phương thức hỗ trợ trẻ em phát triển cảm xúc xã hội và ngăn ngừa những hành vi khó khăn (xem thêm "Gợi ý tăng cường tương tác bạn bè tích cực - “Tips for Enhancing Positive Peer Interactions," trang 109) và làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho kỹ năng tương tác xã hội với bạn bè của trẻ. Chỉ bằng cách phản ánh ứng xử của chúng ta và đánh giá các môi trường vật lý, môi trường xã hội là có thể hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của tất cả trẻ em chúng ta yêu thương.

 

NHỮNG GỢI Ý ĐỂ MỞ RỘNG KHẢ NĂNG TƯƠNG TÁC TÍCH CỰC VỚI BẠN

Môi trường vật lý

  • Thiết lập ranh giới rõ ràng giữa các khu trong lớp
  • Đảm bảo có đủ khu vực cho phép trẻ có dịp tương tác xã hội
  • Cung cấp các vật dụng có tính thúc đẩy, nhạy cảm văn hóa và mới mẻ
  • Chọn những vật dụng liên quan đến nhu cầu, sở thích, cuộc sống của trẻ
  • Bao gồm các vật dụng và hoạt động thúc đẩy tương tác xã hội
  • Gợi ý cho trẻ sử dụng vật dụng hay cách tham gia vào các hoạt động (Một trong số các con có thể nấu ăn và bạn khác có thể làm người phục vụ)
  • Đưa ra các gợi ý trực quan trong môi trường để hỗ trợ và thúc đẩy tương tác xã hội

Môi trường xã hội

  • Cân nhắc tính cách của các bé khi lập nhóm
  • Xem xét số lượng trẻ trong mỗi nhóm hay mỗi khu để tối đa hóa tương tác xã hội
  • Ghép cặp các bé có năng lực xã hội với các bé nhút nhát hay ít kỹ năng xã hội hơn
  • Tạo nhiều cơ hội tương tác hơn cho các bé bị hạn chế kỹ năng xã hội

Chiến lược dạy học

  • Thực hiện hướng dẫn kỹ năng xã hội theo hình thức thích hợp: trong nhóm lớn, nhóm nhỏ và với từng bé
  • Sử dụng chiến lược như làm mẫu, nhắc nhở và đóng vai
  • Đưa ra các phản hồi tích cực để khuyến khích tương tác xã hội lành mạnh
  • Chia sẻ thông tin về việc thúc đẩy tương tác xã hội với các thành viên gia đình

Đôi nét về tác giả:

Tiến sỹ Michaelene M. Ostrosky là giáo sư của chương trình giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Illinois tại Urbana - Champaign. Bà là giảng viên cộng tác với Trung tâm về Nền tảng Xã hội và Cảm xúc cho Giáo dục đầu đời, bà đã tham gia nghiên cứu về đẩy mạnh năng lực cảm xúc xã hội và ngăn ngừa các hành vi khó khăn.

Tiến sỹ Hedda Meadan là trợ lý giáo sư của chương trình giáo dục đặc biệt tại Đại học bang Illinois. Lĩnh vực nghiên cứu của bà bao gồm ứng xử và giao tiếp xã hội của trẻ em khuyết tật.

Nguồn: Young Children - Nội dung bài viết tiếng Anh: xem tại đây