Thư viện

Động lực và Khen ngợi

Câu chuyện của Evonne

Cô bé Evonne ba tuổi rất thích đi mẫu giáo. Em thích những hoạt động có tính thử thách và không bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Evonne là một cô bé hăng say học tập, em luôn trình bày với giáo viên về cách em tham gia một hoạt động và yêu cầu giúp đỡ khi cần. Em luôn tập trung và vui vẻ trải nghiệm những điều mới mẻ. Evonne thấy vui sướng và tự hào về những thành quả của mình, như khi cô bé lần đầu tiên có thể tự mình hoàn thành một trò chơi ghép hình.

Bạn của em,Libby cũng là một bé hăng say học tập nhưng lại dễ nản lòng khi chưa làm tốt (ví dụ: em sẽ ngừng chơi bóng khi gặp rắc rối trong việc bắt bóng). Đôi khi Libby tránh tự mình thử những điều mới, nhưng sẵn sàng đón nhận thử thách khi được khuyến khích. Em đặc biệt vui khi được ghi nhận và cùng trò chuyện về những việc em đã hoàn thành.Tại sao Evonne luôn tự tin vào khả năng của mình và Libby cần một chút hỗ trợ để cảm thấy hạnh phúc về những gì em làm?

Trẻ em là những sinh vật tò mò

Trẻ em được sinh ra vốn đã có sẵn tính tò mò. Chúng muốn chạm vào, nhìn thấy, nghe thấy và nếm thử tất cả mọi thứ trong tầm tay. Trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo thể hiện nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh bằng cách đặt nhiều câu hỏi "tại sao?". Người lớn có thể thúc đẩy sự tò mò tự nhiên của trẻ bằng sự nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ và khích lệ. Mặc dù việc trả lời câu hỏi của trẻ em đôi khi là một thách thức và lặp đi lặp lại, nhưng khi người lớn hiểu được tầm quan trọng của việc trẻ em phát triển nhận thức về bản thân, thể hiện sự kiên nhẫn và quan tâm, khi đó tính tò mò của trẻ em được nuôi dưỡng. Câu trả lời của người lớn có thể cung cấp cho trẻ những cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề thách thức và khó khăn sau này trong cuộc sống. Sự ham hiểu biết giúp trẻ trở thành người học tự tin. Môi trường nuôi dưỡng ấm áp và cùng sự khích lệ giúp phát triển tính tò mò tự nhiên của trẻ em.

Tò mò dẫn đến tự tin

Sự tò mò của trẻ em khiến chúng luôn khám phá môi trường xung quanh và thử những điều mới lạ. Từ những trải nghiệm lặp đi lặp lại trong việc nhìn thấy hành động của mình gây ảnh hưởng đến thế giới của chúng và những người liên quan, trẻ em bắt đầu nhận thấy mình có khả năng và có quyền kiểm soát. Điều này giúp trẻ em cảm thấy bản thân có giá trị và xây dựng sự tự tin của chúng. Ví dụ, Libby có thể bắt đầu chơi với quả bóng mà cô bé có thể dễ dàng bắt lấy để em thấy rằng mình có khả năng chơi các trò chơi với bóng.

Trẻ em tự tin chính là những học sinh ham học

Trẻ em tự tin sẽ có động lực để tham gia vào nhiều trải nghiệm. Chúng tin chúng sẽ gặt hái được thành công và có được những trải nghiệm tích cực như chúng đã đạt được trong quá khứ. Ví dụ, Evonne có thể đã thành công trong việc hoàn thành trò chơi ghép hình với sự giúp đỡ của cha mình trước khi có thể làm điều đó một mình. Cảm thấy tự tin giúp trẻ làm tốt tất cả các khía cạnh của cuộc sống, cả trong hiện tại và tương lai. Trẻ em tự tin cũng có khả năng hơn trong việc xây dựng những mối quan hệ tích cực, học tốt hơn ở trường và trở thành những người lớn thành công cũng như hạnh phúc hơn. Điều này rất quan trọng trong việc phát triển và duy trì sức khỏe tinh thần và hạnh phúc.

Làm thế nào cha mẹ và người chăm sóc có thể hỗ trợ phát triển tính tò mò và sự tự tin của trẻ em?

Cha mẹ và người chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển tính tò mò và sự tự tin của trẻ em. Một số cách thức có thể áp dụng là:

  • Bố trí không gian an toàn và thú vị, nơi trẻ em có thể tự do khám phá và nhận thấy kết quả các hoạt động của chúng.
  • Cho trẻ em sự chăm sóc ấm áp cũng như sự hỗ trợ giúp chúng cảm thấy an toàn để khám phá.
  • Tương tác với trẻ để chúng thấy rằng những gì chúng làm được hưởng ứng (ví dụ như khi trẻ cười, mẹ cũng cười).
  • Trả lời câu hỏi của trẻ em một cách thích hợp. Cũng là điều rất bình thường nếu bạn không biết câu trả lời. Bạn luôn có thể đề nghị cả hai cùng nhau tìm hiểu.
  • Đặt câu hỏi cho trẻ để giúp chúng giải quyết vấn đề, đồng thời thúc đẩy việc học hỏi hơn nữa.
  • Cùng làm việc với trẻ em lúc ban đầu, sau đó cho chúng nhiều không gian hơn khi chúng đã trở nên tự tin hơn về khả năng của mình.
  • Giúp trẻ em nhận thấy học tập là niềm vui.
  • Công nhận những gì trẻ đã làm tốt và chưa tốt. Giải thích cho trẻ không phải lúc nào cũng đúng chính là một phần của việc học. Khuyến khích trẻ lớn hơn chia sẻ kinh nghiệm (ví dụ như như làm thế nào để ra quyết định về đôi giày sẽ đi).
  • Sử dụng phần thưởng và khen ngợi một cách chọn lọc.Tập trung vào các nỗ lực của trẻ chứ không phải là kết quả và nhấn mạnh rằng nỗ lực sẽ giúp chúng ngày càng hoàn thiện hơn.

Với trẻ em, bé này có thể tò mò về một số vấn đề hơn những bé khác. Mức độ tự tin cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào những gì chúng đang làm và chúng cảm thấy như thế nào. Động lực của trẻ không hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng được chăm sóc ra sao, nhưng có những điều mà cha mẹ, người chăm sóc và giáo viên mầm non có thể đồng hành hỗ trợ trẻ. Ví dụ, Evonne và Libby có mức độ tự tin khác nhau. Đó có thể là do trải nghiệm khác nhau với những người xung quanh.

Sự tự tin giúp trẻ em kiểm soát những thăng trầm của cuộc sống.
Sự tò mò khiến trẻ khám phá môi trường xung quanh, trải nghiệm những điều mới mẻ và là yếu tố cốt lõi để giáo dục sự suy xét thấu đáo.
Trẻ em khi luôn có được những mối quan hệ khắng khít, ấm áp với người lớn sẽ phát triển khả năng nhận thức tích cực về bản thân như cảm thấy "Được là chính mình thật là tuyệt". Thường xuyên động viên, khen ngợi trẻ dựa trên những nỗ lực chứ không phải trên thành tích, khuyến khích phát triển tư duy cầu tiến, tin vào năng lực bản thân và sự tự tin.
Trong những năm đầu đời, trẻ tự tin là những học sinh hăm hở, khích lệ tính tò mò giúp xây dựng sự tự tin nơi trẻ và giúp trẻ trở thành người ham học.
Trong những năm tiếp theo, cha mẹ, người chăm sóc và giáo viên có thể hỗ trợ sự tự tin dựa trên những thành công nho nhỏ của trẻ, khuyến khích lối suy nghĩ tự tin và giúp trẻ ứng phó với sự thất vọng một cách hiệu quả.

Nguồn: https://www.kidsmatter.edu.au/mental-health-matters/social-and-emotional-learning/motivation-and-praise