Thư viện

13 hoạt động đơn giản với bóng

Con trai tôi có một chút thích thú với các môn thể thao dùng tới bóng. Bây giờ thằng bé rất thích chơi bóng bocce… nó luôn mang theo một vài loại bóng bên mình. Con gái tôi cũng thích điều đó. Thông qua các trò chơi tôi nhận thấy những bài học về chữ, số, màu sắc,… mà tôi muốn dạy cho con được quả bóng truyền tải đến bé hết sức nhẹ nhàng, đầy màu sắc và vô cùng hiệu quả. Hôm nay tôi thật sự hào hứng khi chia sẻ 13 hoạt động đơn giản dùng bóng này với các bạn!

Đây là danh sách các hoạt động:

1. Những hình dán vui nhộn

Dụng cụ cần thiết: Băng dán (có thể dùng băng dán nhiều màu hoặc băng dán bình thường vẫn được); Sàn nhà

Hướng dẫn:

1. Dùng băng dán tạo nhiều hình dạng, chữ cái, số trên sàn nhà (hình tam giác, hình vuông, hình kim cương, hình chữ nhật, chữ A,…)

2. Cách chơi:  Hướng dẫn bé những cách di chuyển ngộ nghĩnh để đến những hình khác nhau trên sàn. Đây là một hoạt động rất tuyệt vời, hãy sáng tạo và vui chơi cùng nhau! Dưới đây là vài gợi ý:

  • “Nhảy đến hình vuông”
  • “Bật cóc như một con ếch đến chữ T”
  • “Trườn như một con rắn đến chữ A”
  • “Ngồi trên hình kim cương”
  • “Di chuyển như một con chó và sủa đến hình tam giác”
  • “Chạy đến hình chữ nhật”
  • “Bò tới chữ X”
  • “Nhảy chân sáo đến hình chữ nhật”
  • “Nảy như một quả bóng đến hình vuông”
  • “Di chuyển như một con khỉ đến hình kim cương”

Khả năng phát triển ngôn ngữ:

Đây là một hoạt động tốt để luyện tập kỹ năng nghe và làm theo hướng dẫn. Bạn có thể biết được trẻ hiểu và không hiểu những gì dựa trên những phản ứng của chúng theo những lời bạn nói, và làm hay không làm theo lời bạn yêu cầu.

Với những đứa trẻ nhỏ hơn, hãy làm mẫu trong vài lần đầu… và sau đó cố gắng chỉ nói những hiệu lệnh và xem trẻ đã tiếp thu được những gì.

Hoạt động này có thể giúp trẻ thực hành nhận dạng những hình dạng, chữ cái và con số… tùy thuộc vào những gì bạn dán trên sàn.

 2.  Sân gofl trong nhà

Dụng cụ cần thiết:

  • Những tờ giấy hình chữ nhật và những mảnh giấy nhỏ có chiều dài tương đương chiều rộng mảnh giấy hình chữ nhật.
  • Bút viết bảng
  • Băng dán nhiều màu
  • Bóng
  • Gậy hockey
  • Cây vồ chơi croquet, hay gậy chơi golf
  • Ống cactông, những chiếc hộp  .....

Hướng dẫn:

  • Đánh số từ 1-20 vào giữa các mảnh giấy hình chữ nhật, sau đó làm cong và dán chúng xuống sàn tạo thành những hình vòng cung (tưởng tượng như các đường hầm).
  • Tận dụng các không gian trong nhà để làm sân chơi (sau bàn ăn, các bậc thang, xung quanh khu vực bếp và phòng giải trí, vân vân).
  • Bắt đầu từ số 1 và cố gắng hoàn thành cho đến số 20 (theo thứ tự hoặc theo yêu cầu).

Nếu bạn thật sự muốn chơi trò chơi này giống như thật bạn sẽ phải cần hai quả bóng và hai cây gậy. Người chơi lần lượt đánh bóng qua từng lỗ (theo thứ tự… hay ngược lại… hay đếm 2 giây… tùy ý bạn) cho đến khi bóng được đưa qua lỗ cuối cùng. Khi chơi, bạn đếm xem đã đánh bao nhiêu lần để hoàn thành lượt chơi. Người đầu tiên hoàn thành lượt chơi với số lần đánh ít nhất là người thắng.

Có rất nhiều cách chơi khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu một số luật chơi cơ bản của trò chơi này trên các trang web hướng dẫn. Tốt hơn hết nên chọn luật chơi đơn giản và khuyến khích bé cố gắng không đánh nhầm vào bóng của người khác. Đây là một trò chơi hay và cũng sẽ là một hoạt động ngoài trời thú vị. Thông qua trò chơi này trẻ luyện được kỹ năng nhận dạng con số và tập đếm, nhưng đó chưa phải là mục đích chính. Trò chơi này có thể giúp trẻ dễ dàng tập trung trong việc nhìn từ, nhận dạng mặt chữ, những điều thực tế trong toán học...

Chúc bạn chơi vui vẻ!

3. Chữ và sắc màu

Dụng cụ cần thiết:

  • Giấy note nhiều màu (tầm 4-5 màu)
  • Bút viết bảng
  • Băng dán
  • Vài quả bóng

Hướng dẫn cách chơi:

  1. Viết một vài nhóm từ lên các mảnh giấy note. Dán những mảnh giấy đó lên tường hay dưới sàn bằng băng dán màu.
  2. Gọi to một từ và khuyến khích trẻ cố gắng tìm và ĐẬP nó bằng một quả bóng lớn. Lặp lại như thế với mỗi từ khác nhau.
  3. Để trẻ chọn một từ mà trẻ muốn, khuyến khích trẻ gọi tên từ đó và dùng tay chỉ vào. Sau đó để cho trẻ dùng quả bóng đập vào từ đó. Lặp lại với những từ khác.

Phiên bản dành cho những bé mới tập đi:

  1. Gọi tên các màu khác nhau và khuyến khích bé ném bóng vào tờ giấy mang màu đó. Bé cũng có thể chạm tay vào các tờ giấy note thay vì ném bóng.
  2. Để trẻ ném bóng vào bất kì màu nào cũng được. Khi ném trúng được một màu, hãy nói tên màu cho bé nghe và lắng nghe xem bé có thể lặp lại tên của màu đó hay không! Lặp lại thêm một vài lần nữa!

Bạn có thể khiến cho trò chơi này trở nên đơn giản hơn dành cho các bé từ 3-4 tuổi bằng cách viết các chữ trong bảng chữ cái hay những từ đơn giản.

Những kỹ năng rút ra được từ trò chơi dành cho các bé mới tập đi:

  • Biết được tên màu
  • Xác định được màu
  • Kỹ năng vận động
  • Phối hợp tay - mắt
  • Nghe và làm theo hướng dẫn

Những kỹ năng rút ra được từ trò chơi dành cho các bé dưới 5 tuối:

  • Phối hợp tay - mắt
  • Kỹ năng vận động
  • Xác định được chữ và âm thanh
  • Phân biệt được các từ cùng một nhóm từ
  • Nghe và làm theo hướng dẫn

4. Khúc côn cầu và số

Dụng cụ cần thiết:

  • Các sticker có in số
  • Nắp lọ/ chai
  • Bút chì
  • Khung thành (làm bằng hộp nhựa nhỏ)
  • Gậy hockey (làm bằng cọ vẽ)
  • Băng dán màu

Hướng dẫn:

  1. Viết các con số từ 1 - 15 vào bên trong các nắp lọ bằng bút chì để tạo những quả bóng số khúc côn cầu.
  2. Sau đó để trẻ tìm những miếng sticker tương ứng và dán đè lên con số đã được ghi bằng bút chì.
  3. Cho bé đếm tất cả các quả bóng khúc côn cầu theo trình tự!
  4. Đảm bảo chắc rằng sân chơi bằng băng dán màu và gậy hockey của bạn đã sẵn sàng!
  5. Viết số từ 1-15 theo thứ tự (hay ngẫu nhiên) trên một tờ giấy lớn đặt ở kế bên mỗi người chơi. Đây sẽ là nơi các quả bóng khúc côn cầu được “dạo chơi” sau khi đã được ghi bàn!
  6. Bắt đầu chơi nào!

Luật chơi: bạn cứ thoải mái mà tạo luật của riêng bạn, dưới đây là một số gợi ý.

  • Một người đánh quả bóng rời khỏi vị trí ban đầu và nói con số ghi trên nắp.
  • Người chơi còn lại bảo vệ khung thành của mình.
  • Người chơi đánh trả lại và tiếp tục cho đến khi có người ghi bàn.
  • Người chơi nào ghi bàn, đặt cái nắp đã thắng được lên trên con số tương ứng được ghi trên tờ giấy lớn và nói to con số đó.
  • Người ghi bàn có cơ hội được chọn một trong những cái nắp còn lại và bắt đầu lại trò chơi.
  • Trò chơi kết thúc khi không còn quả bóng nào trên sân hoặc khi tất cả các con số trên tờ giấy đều được lấp đầy.

Có rất nhiều khái niệm có thể được dạy thông qua trò chơi này. Chúng ta có thể tháo những miếng sticker số ra và thay vào đó là bảng chữ cái hay một số từ đơn giản vào lần chơi sau.

Trò chơi này rất tốt trong việc luyện tập:

  • Phối hợp tay - mắt
  • Nhận dạng con số
  • Sự so khớp số
  • Kỹ năng vận động (tháo rời những miếng sticker)
  • Đếm số (tập đếm đến số 15)
  • Chờ đến lượt
  • Luyện tập những kỹ năng như kỹ năng đồng đội, tinh thần thể thao, và sự khuyến khích tích cực (cổ vũ, vỗ tay và nói “Làm tốt lắm!” với mỗi người khi chúng ta đang chơi, không cần phải đặt nặng vấn đề ai “thắng” ở đây)
  • Kỹ năng giao tiếp (nó tạo ra một môi trường nơi mà chúng ta có thể giao tiếp và nói chuyện về những thứ mà chúng ta thích)

5.Trò chơi với bóng Bocce

Dụng cụ cần thiết:

  • Giấy note (hay cắt nhỏ giấy cactông)
  • Bút viết bảng
  • Ống hút (hay những que kem nếu như bạn muốn chơi ngoài trời)
  • Kéo
  • Băng dán…

Hướng dẫn:

  1. Nghĩ ra các hoạt động thú vị và viết chúng ra giấy. Chúng ta có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như lăn hay nhào lộn và sau đó là những hoạt động có thể tốn thời gian hơn chút nữa (xây một tòa tháp sau đó đạp đổ chúng, nhào bột, vân vân…). Vẽ những hình vẽ đơn giản ngay bên cạnh để minh họa cho hoạt động đó.
  2. Dán những tờ giấy note vào ống hút.
  3. Cắt xẻ phần đuôi của ống hút. Dán chúng xuống sàn nhà. Nếu như bạn dùng que kem và làm chúng ở ngoài thì bạn có thể cắm các que kem xuống dưới đất.
  4. Dán chúng dưới sàn và cố gắng trải đều khắp sàn.
  5. Cầm lấy một quả bóng (dùng loại to mềm dễ lăn, nếu như bạn muốn tạo khó khăn trong việc làm ngã những bảng hiệu thì có thể dùng những quả nhỏ hơn).
  6. Hạ gục những tấm bảng hiệu và sau đó làm theo những gì được ghi trên đó!

6. Bảng chữ cái Bowling

 

Dụng cụ cần thiết:

  • Chai nhựa (dùng làm ky)
  • Bóng
  • Bìa cactong
  • Bút viết bảng
  • Giấy màu
  • Băng keo, kéo,…

Hướng dẫn:

  1. Đầu tiên, làm bảng lệnh bowling bằng cách: Chia bìa cactong thành nhiều ô tùy vào số lượng ky bạn có.
  2. Vẽ những hình đơn giản minh họa cho các từ mà bạn muốn dạy cho trẻ lên các ô trong bìa cactong. Và ghi chữ phía dưới hình vẽ.
  3. Tiếp theo, dùng giấy màu và viết những chữ cái đầu tiên trong các từ có trên bìa cactong, dán vào ky.
  4. Cùng trẻ ôn lại tất cả những từ trên bìa cactong và chữ cái đầu tiên của từ.
  5. Cho trẻ chọn một ky bất kỳ, hướng dẫn trẻ tìm hình (trên bìa cactong) có chữ cái đầu tiên giống với chữ cái trên ky và đặt ky vào hình đó. Tiếp tục cho đến khi tất cả các ky đều được đặt vào vị trí đúng trên bìa cactong.
  6. Khi tất cả các ky đã đặt vào vị trí, chúng ta bắt đầu chơi!

Trẻ lăn bóng để làm ngã các ky. Với mỗi lượt chơi, cùng bé ôn lại những chữ cái có trên ky bị ngã và ky chưa bị ngã. Có thể đặt các câu hỏi gợi ý “Chữ gì bắt đầu với âm …?” Hay “Chữ … bắt đầu với âm gì?”

Sau đó cho trẻ sắp xếp lại các ky, trong khi sắp xếp cùng bé phát âm lại các chữ cái và các từ bắt đầu bằng chữ cái đó trên ô cactong. Ví dụ: b, b bóng; m, m mây;…

7Ném bánh chữ P

Chuẩn bị:

  • Dĩa giấy
  • Bút màu sáp
  • Bút viết bảng
  • Keo dán

Hướng dẫn:

  1. Tô màu vào các chiếc dĩa giống như hình cái bánh. Sau đó, nói những từ bắt đầu bằng chữ P mà mình biết và viết mỗi từ vào mỗi chiếc dĩa.
  2. Tiếp theo, treo chúng lên tường bằng băng dán.
  3. Nói tên loại bánh mà bé sẽ nhắm tới, ví dụ: Mẹ muốn chiếc bánh chữ … Dùng bóng ném cho đến khi những miếng bánh rơi xuống!
  4. Có thể lặp lại trò chơi với những từ mà bé muốn.
  5. Trò chơi giúp trẻ tập nhắm, ném và sử dụng trí nhớ một chút để nhớ từ được ghi trên dĩa.
  6. Kết thúc trò chơi có thể thưởng cho trẻ một chiếc bánh pizza hoặc một chiếc bánh có chữ P.

8. Thực hành chữ B - Chữ B biến hình

Thực hành với chữ B: viết những chữ B hoa và thường (dùng nhiều màu) lên những chiếc dĩa giấy và dán chúng lên bảng/ tường. Nói to màu và từ trẻ sẽ ném bóng vào đúng chiếc dĩa ấy.

Trò chơi tiếp theo là vẽ chữ B hoa/ thường lên các quả bóng ping pong – cho trẻ đứng trên một cái ghế và ném quả bóng vào rổ (được đặt ở dưới sàn) đúng theo chữ được ghi trong rổ. Trước khi ném bóng vào, chúng ta lặp lại từ và màu mà mình đã chọn.

Có nhiều cách để thực hành chữ B cùng với bé, như: Hát những bài hát chữ B (Búp bê bằng bông; Cháu yêu bà;…); Kể tên các con vật bắt đầu bằng chữ B; Kể những câu chuyện về chữ B;…

9. Bóng và những chữ số

Dụng cụ cần thiết:

  • Dĩa giấy
  • Bút lông đen
  • Băng dán màu
  • Nhiều loại bóng khác nhau.

Hướng dẫn:

  1. Viết các số từ 0-5 lên các dĩa giấy.
  2. Dán chúng lên tường hoặc một nơi nào đó thuận lợi cho việc di chuyển của bé.
  3. Đưa cho con bạn một quả bóng (có thể hai hoặc ba) và thách thức chúng ném trúng mục tiêu.

Có thể hướng dẫn bé ném theo thứ tự nhỏ dần bắt đầu từ số 5 hoặc lớn dần bắt đầu từ số 0. Khi mục tiêu rớt xuống, khuyến khích trẻ nhặt lên và nói con số mà bé vừa ném trúng.

Tham gia trò chơi với trẻ bằng cách trước khi bé ném một số hỏi xem bé muốn ném số nào tiếp theo hay khi bé ném rớt một số nào, gọi to tên số đó và cổ vũ bé. Ví dụ: Con vừa ném trúng số 5, hay quá!

Khi các con số đều đã rơi xuống, nói lại tất cả những con số mà bé thấy, treo lên lại và chơi tiếp! Hoạt động này giúp cho việc phát triển kỹ năng vận động và kỹ năng phối hợp tay/mắt!

10.Đẩy số

Chuẩn bị:

  • Bóng nhiều màu
  • Giấy note
  • Bút viết bảng
  • Dĩa giấy (cỡ lớn)
  • Xe đẩy đồ chơi (hay một vật có thể cho bé bỏ bóng vào và đẩy đi)

 Hướng dẫn:

  1. Kẻ vạch xuất phát và vạch kết thúc, lấy một số dĩa giấy, dán vài giấy note có ghi số và đặt chúng ở vạch kết thúc.
  2. Và bắt đầu trò chơi!
  3. Mỗi đứa đều có một vài cái dĩa có ghi số riêng.
  4. Trẻ phải nhìn các con số trên dĩa của mình, đẩy xe đến chỗ để bóng, đếm và bỏ đúng số bóng ghi trên giấy vào xe, đẩy bóng về cho vào dĩa của mình.Tiếp tục trò chơi cho đến khi những chiếc dĩa được làm đầy với số bóng được ghi trên đó!
  5. Khi các dĩa đã được làm đầy, cùng đếm lại số bóng, đảm bảo rằng tụi trẻ đặt đúng số bóng theo yêu cầu.

Trò chơi được tiếp tục bằng cách đặt những quả bóng lại vào xe đẩy và đưa chúng về lại rổ đựng bóng ban đầu. Để tăng độ thách thức của trò chơi có thể để 2 mẫu giấy có 2 số vào cùng 1 dĩa, trẻ phải lấp đầy dĩa đó với số bóng của cả 2 số ghi trên mẫu giấy.

11. Tìm tên trên bóng

Chuẩn bị:

  • Bút viết lông màu đen loại khó phai mực
  • Vài quả bóng bơm
  • Vòng bóng rổ
  • Một cái thùng lớn
  • Lưới bóng đá (tùy chọn)

Hướng dẫn:

  • Có thể bắt đầu bằng tên của bé.
  • Dùng 1 quả bóng ghi tên của bé và trên những quả bóng còn lại, mỗi quả ghi 1 chữ cái có trong tên của bé. Chia quả bóng thành nhiều ô nhỏ, viết cùng 1 chữ cái lên mỗi ô đó.
  • Nếu bé lớn có thể viết những từ đơn giản hoặc những từ chỉ những vật mà bé thích, như: chó, mèo, bánh, kẹo,…
  • Xếp những quả bóng theo hàng ngang rồi nói cho bé biết nên ném quả bóng nào.
  • Tham gia trò chơi cùng bé bằng cách đưa ra các gợi ý, ví dụ: Hãy ném quả bóng chữ A; Ném quả bóng có chữ cái đầu tiên của từ Mèo;…
  • Với những đứa trẻ nhiều tuổi hơn có thể hướng dẫn bé vừa đánh vần tên của mình vừa nhặt những quả bóng có chữ cái tương ứng và ném vào thùng.
  • Cũng có thể chơi trò chơi theo cách ném những quả bóng vào vòng bóng rổ hoặc đá bóng vào lưới như bóng đá.

Mỗi khi bé ném hay đá được 1 quả bóng vào đích, khuyến khích bé gọi tên chữ cái trên quả bóng mà bé vừa ném/ đá được. Thách thức hơn một chút, khuyến khích bé nói một từ bắt đầu bằng chữ cái ghi trên quả bóng. Nếu bé lúng túng, có thể cho bé các câu trả lời, bé chỉ việc chọn “đúng” “sai”, ví dụ: bé ném được quả bóng chữ M, hỏi bé “chữ Mẹ bắt đầu bằng chữ M, đúng không?”; hoặc đưa ra các lựa chọn, ví dụ: bé ném được quả bóng chữ M, đưa ra các lựa chọn “Chữ nào bắt đầu bằng chữ M – Mưa hay Nước,…

12. Quả bóng to, quả bóng nhỏ

Chuẩn bị:

  • Những quả pom pom to và nhỏ
  • 3 cái tô
  • Giấy
  • Bút viết bảng

 Hướng dẫn:

  1. Làm ký hiệu to – nhỏ và ghi chữ lên tờ giấy, bỏ tờ giấy vào những cái tô để khi nhìn vào bé phân biệt được tô to - tô nhỏ. Đặt những quả pom pom vào 1 tô lớn để ở giữa.
  2. Làm mẫu để cho con bạn biết được nên đặt những quả pom pom to vào tô có ký hiệu “to” và đặt những quả pom pom nhỏ vào tô có ký hiệu “nhỏ”.
  3. Sau khi làm mẫu được vài lần, hãy làm chung với bé để giúp bé có thể làm được hoạt động này.
  4. Sau khi làm chung được một lúc, hãy để bé tự làm. Cách này giúp bé thêm tự tin hơn.

Nếu như bé vẫn chưa hiểu cách chơi cố gắng chơi chung với bé thêm một vài lần nữa hoặc cứ để bé làm theo cách của chúng. Có thể bé sẽ muốn thử phân loại những quả bóng theo màu sắc hay những thuộc tính khác mà bé muốn.

Khả năng phát triển ngôn ngữ:

Hoạt động này tập trung vào chủ đề lớn và nhỏ và màu sắc. Trong lúc bé chơi, khi bé nhặt 1 quả bóng bỏ vào to khuyến khích bé gọi tên màu của quả bóng đó. Và cố gắng mở rộng vốn từ của bé bằng cách: Nếu bé nói “màu cam”, hãy nói “Con có một quả bóng màu cam to”. Sau đó bé sẽ bắt đầu nói “quả bóng lớn” hay “bóng màu cam”. Đó là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy vố từ của bé đang dần tăng lên.

Với những đứa trẻ lớn tuổi hơn có thể phân loại những quả bóng to, vừa và nhỏ. Cũng có thể phân loại những quả bóng theo màu và đếm được chúng.

Nguồn: 13 Simple Learning Activities Using Balls