Một sự kiện văn hóa – giáo dục vừa diễn ra tại Sài Gòn tuần qua, đó là “Ngôi làng vì trẻ thơ” do những nhà giáo dục – văn hóa uy tín tại Sài Gòn vừa thành lập.
Cảnh đứa bé sau này là mục sư Jung Myung Seok, sinh ra trong một làng nhỏ ở vùng sâu vùng xa năm 1945, là con thứ ba trong một gia đình trong bộ phim “Đầu đời”.
Ngôi làng hướng đến xem đứa bé là một con người, không áp đặt ý chí người lớn cho chúng…
Trong buổi ra mắt, cuộc giao lưu giữa các cha mẹ với chuyên gia tập trung vào việc giáo dục nền tảng văn hóa – đạo đức cho con cái. Muốn vậy, cha mẹ phải thực sự chú tâm, ý thức được vai trò gieo mầm và nuôi dưỡng của mình. Câu chuyện bắt đầu bằng bộ phim kinh điển về trẻ em từ 0 – 6 tuổi The beginning of life (Đầu đời) của UNICEF đang lan tỏa trên khắp thế giới.
Những đứa trẻ sinh động
TS Bùi Trân Phượng, nhà quản lý giáo dục, thành viên ban cố vấn của The Caterpies nói: “Điểm mấu chốt trong vấn đề giáo dục là luôn phải nhớ rằng trước mặt mình là một em bé sinh động, đáng yêu, và là một con người. Hãy tạo mọi điều kiện để người đó phát triển và làm điều họ muốn làm. Các bậc cha mẹ cũng phải coi chừng cám dỗ việc muốn con mình làm điều mình muốn. Tôi cũng là cô giáo, là bà, là mẹ, mình cũng không tránh khỏi cám dỗ là muốn sinh viên, muốn con, muốn cháu mình phải thế này thế kia, nhưng lúc đó mình phải nhắc mình là “muốn vừa vừa thôi””.
TS Quách Thu Nguyệt, thành viên ban điều hành Đường sách TPHCM chia sẻ: “Là một người mẹ, người bà, từng hay so sánh con, cháu mình với người khác. Nhưng tôi đã dần nhận ra rằng, dù là trẻ con nhưng cháu luôn có nhu cầu tự khẳng định, do đó, không nên nhào nặn bất kỳ hình tượng nào cho trẻ”.
TS Trần Hữu Đức, đồng sáng lập, chuyên gia tâm lý cao cấp của tổ chức Better Living trả lời câu hỏi “Theo anh, những vấn đề tâm lý cha mẹ Việt thường gặp phải, đặc biệt là các vị có con từ 0 – 6 tuối?”. Ông cho rằng, lâu nay, từ mà phụ huynh hay dùng để khen tặng các cháu bé và ước ao đối với con cháu của mình là từ “ngoan”, nhưng “ngoan” là thể hiện sự tuân phục, đi ra từ phong kiến.
Từ bộ phim Đầu đời, chúng ta có thể rút ra một điều: trẻ con phải được nghịch ngợm, phá phách thì mới học được, đừng bắt con phải ngoan thì con sẽ mất dần đưa ra chính kiến của mình. Hãy để con tự khám phá. Hãy cho con được phạm lỗi trong quá trình đó và để con được là chính mình.
Để giúp con trở thành một con người có lý tưởng, có ba việc cần phải làm: 1/Hãy cho mình sống thật với cảm xúc của mình (chúng ta vẫn hay dạy là con trai không khóc, ra ngoài mặt lạnh như tiền, không để cho người ta biết); 2/Bé được sống với năng khiếu của mình, nhưng cha mẹ phải đầu tư để năng khiếu được bộc lộ; 3/Hãy trò chuyện với con nhiều hơn để hiểu mơ ước, mong muốn của con.
Một dấu hiệu tích cực là có nhiều tổ chức, nhà trường được hình thành tập trung vào giai đoạn đầu đời. Nhưng câu hỏi quan trọng cần đặt ra là hệ giá trị, nhân cách nào mà nhà trường muốn dạy cho bé. Hiện nay, chúng ta đang thiếu một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức mang tính chất nền tảng để dạy dỗ cho trẻ. Do đó, việc mà chúng ta cần làm là đưa ra một hệ giá trị, hệ nhân cách nào mà chúng ta muốn dạy cho trẻ.
Chọn sách đọc phù hợp cho con
Cần thận trọng khi lựa chọn sách cho con, bởi vì đừng mua cho trẻ những quyển sách mà chúng ta thấy hay, mà phải đặt mình vào vị trí của con để xem con hứng thú với đề tài gì. Cha mẹ cần thử nghiệm đọc cho con nghe để xem mức độ hứng thú của bé và lựa chọn tựa sách phù hợp, những quyển sách mà con thích. Và cũng đừng ảo tưởng mình thừa biết con thích điều gì, cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của trẻ.
Để cho con quyền lựa chọn bằng cách thường xuyên dẫn con đi nhà sách, hay thậm chí là làm tủ sách riêng cho con, có như vậy con sẽ dùng nhiều thời gian cho sách hơn iPad.
Bà Nguyệt thông báo trong năm 2017 ban điều hành Đường sách TPHCM sẽ ra mắt thư viện mini dành cho trẻ em, đồng thời tạo ra sân chơi dành cho trẻ với hy vọng giúp cha mẹ lựa chọn được đầu sách phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Mỗi năm có trung bình khoảng 30.000 tựa sách mới được xuất bản tại Việt Nam, có 17% sách dành cho thiếu nhi và tìm sách cho tuổi 0 – 6 còn khó hơn. Đồng thời, sự đầu tư của các đơn vị làm xuất bản cho đối tượng này không nhiều cũng vì quan niệm chỉ cần nuôi, không cần dạy, nên các đầu sách dành cho lứa tuổi này thì đọc vui là chính.
Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực liên quan đến sách dành cho trẻ con trong thời gian qua. Có hai nguyên nhân: các nhà xuất bản nghĩ là mảng sách này dễ, ai cũng có thể làm; các biên tập viên thì nghĩ nội dung không cần được biên tập kỹ. Tuy nhiên, vẫn còn vài đơn vị có chú ý đến lứa tuổi này, ví dụ: NXB Kim Đồng, nhưng chủ yếu là dạy trẻ về lễ giáo.
Ngoài sách cho con, các bậc cha mẹ cũng phải tự mở rộng kiến thức cho mình, nhưng hãy luôn nhớ, con của mình cũng như một quyển sách, cần phải “đọc” con mỗi ngày để hiểu con và có sự lựa chọn phù hợp nhất. Có một điều phải thừa nhận là sách viết cho trẻ con của nước ngoài phong phú và đa dạng hơn sách của ta rất nhiều, nên nếu có điều kiện cha mẹ nên đầu tư nhiều hơn vào sách.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến về dự án khuyến khích tất cả những người nuôi dưỡng trẻ, từ cha, ông bà, người nuôi dưỡng – nếu có khả năng cũng có thể tham gia viết sách cho con. Đồng thời cũng nên đọc sách tiếng Việt nhiều hơn cho con để giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ và cảm xúc.
Chân Khanh lược thuật
(Nguồn: Tiếp thị thế giới)
TRANG ĐANG CẬP NHẬT...