Các khách mời chia sẻ trong buổi tọa đàm - Ảnh; LAM NGỌC
Tại buổi tọa đàm 'Cả làng cùng nuôi một đứa trẻ' diễn ra sáng 11.3, nhiều chuyên gia giáo dục đã xoáy vào câu chuyện như thế nào là một hình mẫu lý tưởng, và có hình mẫu lý tưởng hay không trong việc giáo dục trẻ?
Tại buổi tọa đàm này nhiều chuyên gia nghiên cứu giáo dục đã xoáy vào câu chuyện như thế nào là một hình mẫu lý tưởng? Và có hình mẫu lý tưởng hay không? Trước câu trả lời này, tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ: “Giáo dục một đứa trẻ đúng nghĩa là phải ý thức được trước mặt mình không phải là một cục đất xét mà là một em bé, một con người và con người đó bắt đầu từ một em bé sinh động, đáng yêu cần được bảo vệ”.
Bà Phượng nói thêm: “Có những việc con cái mình làm rất giỏi nhưng đó không phải nghề nó muốn. Tương tự, nhiều việc khác con cái mình làm không giỏi nhưng mình vẫn ép vì mong muốn con cái sống theo một chuẩn nhất định do mình đặt ra. Là người mẹ, người bà, giáo viên lâu năm tôi cũng muốn như vậy. Tôi cũng nghĩ con mình, sinh viên của mình thế này thế kia là tốt. Tuy nhiên đó chưa chắc đã là suy nghĩ đúng và những lúc như vậy tôi tự nhắc mình nếu cứ áp đặt suy nghĩ như thế mình sẽ thành Pôn Pốt”.
Phụ huynh cho con đến tham gia buổi tọa đàm đồng tình với quan niệm không nên ép buộc con đi theo một hình mẫu nào có sẵn - Ảnh: LAM NGỌC
Cùng ý kiến với bà Phượng, tiến sĩ Trần Hữu Đức (chuyên gia tâm lý cao cấp của Beter Living) chia sẻ: “Ở giai đoạn đầu đời đứa trẻ phải học rất nhiều nên đừng bắt chúng phải ngoan, không được làm theo những gì chúng muốn. Giai đoạn này sẽ có tác động quyết định cho cuộc đời một con người. Chính vì vậy rất cần cha mẹ, thầy cô, gia đình, cộng đồng cho bé cái quyền được khám phá. Trong quá trình học bé có thể phạm lỗi. Nhưng hãy cho bé phạm lỗi và được là chính nó”.
Cũng từng là bà mẹ có 2 con nhỏ tiến sĩ Quách Thu Nguyệt (nguyên Giám đốc NXB Trẻ - thành viên điều hành đường sách TP.HCM) thừa nhận: “Trước đây tôi luôn so sánh con với một bạn nào đó. Tuy nhiên những lúc này con luôn muốn khẳng định mình là mình”.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nhìn nhận ở làng xuất bản là “một năm có khoảng 30.000 đầu sách mới được xuất bản. Trong đó chỉ có khoảng 17% sách được xuất bản dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên ở lứa tuổi 0-6 tuổi thì rất khó để tìm sách nên phụ huynh muốn tìm hiểu để dạy con cũng sẽ bị hạn chế”.
Bà Nguyệt nhận định: “Nhiều người có tâm lý cho rằng ở giai đoạn 0-6 tuổi chỉ cần nuôi lớn là được. Người làm sách cũng vậy. Họ có viết sách thì cũng tập trung vào sách dạy cho trẻ học lễ giáo. Trong làng xuất bản rất nhiều nhà làm sách tư nhân có quan điểm là sách làm cho thiếu nhi dễ quá, ai cũng làm sách này được và từ đó nảy sinh nhiều tiêu cực và xuất hiện sách dễ dãi. Khiến cho việc tìm kiếm sách dạy cho trẻ ở giai đoạn này càng trở nên lộn xộn, khó tìm...”.
Khi nói về việc nên cho trẻ đọc gì bà Phượng đưa ra lời khuyên: “Khi mua sách cho trẻ chúng ta cần tự hỏi là liệu trẻ có thích cuốn sách đó không. Để trẻ thích sách hãy cho chúng tự lựa chọn thứ mình thích đọc”.
Cũng theo những chuyên gia này, gia đình là một mắt xích quan trọng nhưng nhà trường, xã hội tốt sẽ tạo ra một “hệ sinh thái giáo dục” tốt giúp trẻ phát triển toàn diện.
Lam Ngọc
(Nguồn: Thanh Niên, ngày 11/03/2017)
TRANG ĐANG CẬP NHẬT...